Loading...
Thực thi quyền theo Hiệp định TRIPS
31/07/2016 - 3769 lượt xem
Việc thi hành có ý nghĩa quan trọng trên thực tế đối với Hiệp định TRIPS nằm ở các quy định về thực thi, theo đó hàng loạt các chế tài về thực thi được quy định cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Các Điều từ 41 đến 50 yêu cầu các thành viên WTO quy định đầy đủ các thủ tục và chế tài thực thi dân sự. Các Điều từ 51 đến 60 buộc các thành viên WTO quy định các thủ tục kiểm soát biên giới cho phép áp dụng các thủ tục hải quan để ngăn chặn việc nhập khẩu hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và hàng sao chép lậu. Các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ trước đây không quan tâm đến vấn đề thực thi dân sự. Giờ đây, các chủ thể quyền có thể đòi hỏi các nước quy định các thủ tục để họ có thể thực thi quyền của mình.

(a)  Thực thi bằng biện pháp dân sự

Điều 42 yêu cầu rằng các thủ tục thực thi phải đúng đắn và công bằng theo đó bị đơn phải có quyền được “thông báo bằng văn bản một cách kịp thời và chi tiết, trong đó nêu cả căn cứ của các yêu cầu”. Điều 42 cũng yêu cầu về việc cho phép sự hiện diện của cố vấn pháp luật độc lập. Các bên tham gia thủ tục đó “phải có quyền biện minh cho yêu cầu của mình và có quyền đưa ra mọi chứng cứ thích hợp”, các thủ tục không được yêu cầu “quá mức việc đương sự buộc phải có mặt tại toà”.

 

Tương tự như thông lệ trong các thủ tục dân sự ở hầu hết các nước, Điều 43.1 quy định các thủ tục liên quan đến việc phát hiện và quản lý lời khai, khi một bên “đã đưa ra chứng cứ có thể có được một cách hợp lý đủ để biện minh cho những yêu cầu của mình và đã chỉ ra chứng cứ thích hợp để biện minh cho các yêu cầu đó của mình nhưng nằm dưới sự kiểm soát của bên kia”. Điều 43.2 cho phép các Thành viên cho các cơ quan xét xử được “quyền ra quyết định tạm thời và quyết định cuối cùng, khẳng định hoặc phủ định, dựa trên cơ sở những thông tin được đệ trình”.  Điều này bao gồm cả “đơn tố cáo hoặc đơn kiện của bên chịu bất lợi vì bị từ chối không được tiếp cận thông tin”.

 

Điều 50.1 quy định rằng các cơ quan xét xử phải có quyền “ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời khẩn cấp và hữu hiệu: “b) để bảo toàn các chứng cứ liên quan đến hành vi bị khiếu kiện là xâm phạm quyền”. Theo như lệnh Anton Piller, Điều 50.2 cho phép các cơ quan xét xử được “ra lệnh áp dụng các biện pháp tạm thời theo yêu cầu của một bên, nếu phù hợp, … khi có thể thấy rằng chứng cứ đang có nguy cơ bị thủ tiêu”. Ngoài ra, cơ quan xét xử có thể có quyền theo Điều 50.3 “yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ bất  kỳ có thể có được một cách hợp lý, đủ sức thuyết phục rằng nguyên đơn là chủ thể quyền” và rằng hành vi xâm phạm đã xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Hơn nữa, Điều 50.5 quy định rằng để hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền sẽ thực thi biện pháp tạm thời, “nguyên đơn có thể được yêu cầu cung cấp thông tin khác cần thiết cho việc xác định hàng hoá có liên quan”. 

 

Điều 44 cho phép dành cho các cơ quan xét xử quyền  “ra lệnh cho một bên chấm dứt  hành vi xâm phạm nhằm, ngoài các mục đích khác, ngăn chặn hàng hoá nhập khẩu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào lưu thông trong các kênh thương mại nằm trong lãnh thổ của mình”.

 

Điều 45.1 quy định rằng các cơ quan xét xử phải có quyền ra lệnh “buộc người xâm phạm phải trả cho chủ thể quyền khoản đền bù thoả đáng để bồi thường cho những thiệt hại mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đã phải gánh chịu do hành vi xâm phạm của người thực hiện hành vi xâm phạm quyền khi đã biết hoặc có cơ sở để biết điều đó”.

 

Nhằm ngăn chặn một cách hữu hiệu hành vi xâm phạm quyền, Điều 46 cho phép các thành viên quy định thẩm quyền cho các cơ quan xét xử “để ra lệnh, mà không có bồi thường dưới hình thức bất kỳ, buộc những hàng hoá xâm phạm quyền do các cơ quan đó phát hiện phải bị xử lý bên ngoài các kênh thương mại theo cách thức tránh gây thiệt hại bất kỳ cho chủ thể quyền”. Nếu hiến pháp hiện hành có quy định thì hàng hoá xâm phạm  quyền có thể bị tiêu huỷ. Một thẩm quyền bổ sung được quy định cho các cơ quan xét xử  là thẩm quyền “ra lệnh buộc xử lý các vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất hàng hoá xâm phạm quyền bên ngoài các các kênh thương mại theo cách thức nhằm giảm đến mức tối thiểu nguy cơ tiếp diễn hành vi xâm phạm quyền”. Khi xem xét các yêu cầu xử lý hoặc tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm quyền và phương tiện được sử dụng để sản xuất hàng hoá xâm phạm quyền, các cơ quan xét xử phải chú ý đến “sự cần thiết phải có tính tương xứng giữa các biện pháp chế tài và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm quyền cũng như phải chú ý đến lợi ích của các bên thứ ba.” Đối với hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, Điều 46 quy định rằng “trừ những trường hợp ngoại lệ, việc đơn thuần loại bỏ nhãn hiệu gắn trên hàng hoá một cách bất hợp pháp không đủ để cho phép hàng hoá đó được đưa vào lưu thông trong các kênh thương mại”.

 

Một sự phát triển đặc biệt hữu ích là thẩm quyền được quy định theo Điều 47 “để ra lệnh buộc người xâm phạm phải thông tin cho chủ thể quyền biết về những người tham gia vào việc sản xuất và phân phối hàng hoá hoặc dịch vụ xâm phạm quyền và về các kênh phân phối của những người đó”. Điều 47 khuyến nghị không thực hiện thẩm quyền này trong trường hợp điều đó là “không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm quyền”.

 

Trong trường hợp “các biện pháp thực thi bị lạm dụng”, Điều 48.1 quy định rằng các cơ quan xét xử phải có quyền ra lệnh buộc bên “đã đưa ra yêu cầu thực hiện các biện pháp chế tài” phải “bồi thường một cách thoả đáng cho những thiệt hại do sự lạm dụng đó gây ra” cho bên đã bị áp dụng các biện pháp đó hoặc bị hạn chế một cách sai trái. Điều 48.1 cũng quy định rằng nguyên đơn phải trả cho bị đơn “các khoản chi phí đại diện thích hợp”.

(b)  Các chế tài hình sự

Điều 61 quy định rằng các Thành viên phải quy định các thủ tục và hình phạt hình sự “để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao chép lậu với quy mô thương mại”. Các hình phạt hình sự được liệt kê tại Điều này là: “phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương”. Ngoài ra, trong những trường hợp thích hợp, Điều 61 quy định về việc “bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm quyền và vật liệu và các phương tiện bất kỳ chủ yếu được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội”. Điều 61 cũng quy định các thủ tục và chế tài hình sự được áp dụng trong các trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khác, “đặc biệt là trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại”.

(c)  Các biện pháp kiểm soát biên giới

Một sự đổi mới quan trọng của Hiệp định TRIPS là việc các thành viên WTO phải quy định và thi hành các biện pháp kiểm soát biên giới để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở mối quan ngại về hoạt động thương mại hàng giả mạo và hàng sao chép lậu đã thúc đẩy sự quan tâm của GATT đến vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, có lẽ mọi người đều cho rằng các kiến trúc sư soạn thảo Hiệp định TRIPS sẽ trông cậy vào sự hỗ trợ của các cơ quan hải quan để ngăn chặn hoạt động thương mại này. Mục 4 Phần III thiết lập một cơ chế đình chỉ việc đưa vào lưu thông hàng hoá bị nghi ngờ là giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hoá sao chép lậu. Việc đình chỉ thông quan có thể được thực hiện trên cơ sở đơn yêu cầu của chủ thể quyền hoặc do các cơ quan kiểm soát biên giới chủ động thực hiện.

 

Điều 51 yêu cầu các Thành viên phải ban hành và thực hiện các thủ tục cho phép chủ thể quyền, khi có những căn cứ hợp lý để nghi ngờ rằng việc nhập khẩu các hàng hoá mang nhãn hiệu giả mạo hoặc hàng hoá sao chép lậu có thể xảy ra, được đệ đơn cho các cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử có thẩm quyền yêu cầu các cơ quan hải quan đình chỉ thông quan để ngăn chặn hàng hoá đó vào lưu thông tự do.

 

Theo như chú thích của quy định này, thuật ngữ “hàng hoá giả mạo nhãn hiệu” được định nghĩa là “hàng hoá bất kỳ, kể cả bao bì, mang nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được đăng ký hợp pháp cho hàng hoá đó hoặc không thể phân biệt với nhãn hiệu đó về những khía cạnh cơ bản, mà không được phép và do vậy xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đó theo luật của nước nhập khẩu”. Thuật ngữ “hàng hóa sao chép lậu” được định nghĩa là “hàng hoá bất kỳ là bản sao được làm ra mà không có sự đồng ý của người nắm giữ quyền hoặc người được phép của người nắm giữ quyền ở nước sản xuất, và hàng hoá đó được làm ra trực tiếp hoặc gián tiếp từ một sản phẩm mà việc làm ra bản sao sản phẩm đó cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền  liên quan theo luật của nước nhập khẩu.”

 

Ngoài việc đình chỉ thông quan hàng hoá bị nghi ngờ giả mạo nhãn hiệu hoặc hàng hoá sao chép lậu, Điều 51 còn quy định rằng biện pháp đình chỉ thông quan cũng có thể được áp dụng đối với hành vi xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ khác.

 

Một sự đổi mới đặc biệt hữu ích trong quy định về kiểm soát biên giới là thẩm quyền được trao theo Điều 57 cho phép các Thành viên quy định cho các cơ quan có thẩm quyền, đối với vụ việc được phán quyết thuận theo yêu cầu của chủ thể quyền, quyền thông báo cho chủ thể quyền biết về “tên và địa chỉ của người gửi hàng, người nhập khẩu và người nhập khẩu theo uỷ thác và về số lượng của hàng hoá đó”. Điều này sẽ hỗ trợ một cách rõ ràng cho chủ thể quyền trong việc tiếp tục điều tra để phát hiện ra những người khác có liên quan đến hàng giả mạo và hàng sao chép lậu. 

 

Điều  58 dự tính rằng các Thành viên có thể cho phép các cơ quan có thẩm quyền chủ động hành động trong việc đình chỉ thông quan hàng hoá nếu họ có được những chứng cứ hiển nhiên về sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong những tình huống như vậy, Điều này cho phép các cơ quan có thẩm quyền được “yêu cầu chủ thể quyền cung cấp những thông tin có thể giúp họ thực hiện quyền lực đó”.   

 

Thi hành các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS Hiệp định TRIPS buộc các Nước thành viên phải ban hành pháp luật về sở hữu trí tuệ tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu được quy định trong Hiệp định. Vì Hiệp định liên quan đến một số tiêu chuẩn được đề cập trong các điều ước về sở hữu trí tuệ đã tồn tại từ trước, ví dụ Công ước Pari, Công ước Berne và Công ước Rome, do vậy vấn đề thi hành các tiêu chuẩn của Hiệp định TRIPS không phải là vấn đề quá khó khăn đối với hầu hết các nước. 

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
CÁC TIN TỨC KHÁC:
Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) (03/09)
Quyền sở hữu trí tuệ trong TPP (03/09)
Các tổ chức quốc tế liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ (06/05)
Luật điều ước về sở hữu trí tuệ quốc tế (06/05)
Các công trình nghiên cứu pháp lý về sở hữu trí tuệ quốc tế (06/05)
Mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước và thẩm quyền chuyên môn trong việc phân cấp quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (28/04)
Chủ thể của thủ tục hành chính (29/04)
Phê chuẩn điều ước quốc tế (28/04)
Các thỏa thuận quốc tế (28/04)
Điều ước quốc tế (28/04)
Cơ chế hết quyền khu vực trong Hiệp định TRIPS (28/04)
Gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên (28/04)
Lễ công bố quyết định thành lập Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam, phát trên Truyền hình thanh niên VOV
Đang online:
2
Tổng truy cập:
4.130.485