Có nhiều văn bản mới được ban hành, các chủ doanh nghiệp cũng nên cập nhật nắm bắt để vận hành quản lý doanh nghiệp tuân thủ kịp thời các quy định
Năm 2025, đánh dấu nhiều thay đổi từ việc thay đổi đơn vị hành chính, theo Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025, từ 01/07/2025 cả nước không còn chính quyền cấp quận, huyện, mà thay vào đó là tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp quận, huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, có nhiều văn bản mới được ban hành. Qua website, Dũng chia sẻ thông tin một số văn bản liên quan đến các doanh nghiệp, mong rằng sẽ giúp ích cho các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp nắm bắt được thông tin để đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định:
-
Thông tư số 86/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 06/02/2025.
-
Nghị định số 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/06/2025
-
Thông tư số 32/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/06/2025
-
Luật thuế GTGT số 48/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
-
Nghị định số 181/2025/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 01/07/2025
-
Thông tư số 69/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
-
Luật thuế TNDN số 67/2025/QH15 có hiệu lực ngày 01/10/2025.
-
Luật BHXH số 41/2024/QH15 có hiệu lực ngày 01/07/2025
Lưu ý quan trọng: các bạn trẻ mới khởi nghiệp, thời gian đầu chưa có doanh thu hoặc doanh thu chưa bù đắp được chi phí, doanh nghiệp bước đầu chưa có lợi nhuận, để giảm chi phí cho doanh nghiệp bước đầu, nhiều chủ doanh nghiệp lựa chọn giải pháp tạm thời không hưởng lương. Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, khoản 2 Điều 2 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN thì người lao động là người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN và được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định. Theo các quy định nêu trên, trường hợp người quản lý doanh nghiệp, không hưởng tiền lương thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.
Tuy nhiên, theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực ngày 01/07/2025, có mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tại điểm n khoản 1 điều 2 có quy định, cụ thể như sau:
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
…
n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương. Theo quy định trên, người lao động là người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương theo Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ 01/07/2025 cũng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.