- Pháp luật với kinh tế
+ Pháp luật là một trong những yếu tố của kiến trúc thượng tầng, còn kinh tế thuộc về yếu tố của cơ sở hạ tầng.
+ Cũng như nhà nước, pháp luật sinh ra trên cơ sở của hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định. Cơ sở hạ tầng là nguyên nhân trực tiếp quyết định sự ra đời của pháp luật: quy định nội dung, hình thức, cơ cấu và sự phát triển của pháp luật. Do đó, pháp luật không thể cao hơn trình độ kinh tế hiện có.
+ Pháp luật tác động trở lại đối với kinh tế: pháp luật sinh ra từ các điều kiện, tiền đề kinh tế và được xây dựng phù hợp với các quy luật kinh tế - xã hội thì tác động tích cực đến sự phát triển và vận hành của cả nền kinh tế. Ngược lại, pháp luật sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế hoặc làm triệt tiêu nền kinh tế.
- Pháp luật với chính trị
Pháp luật phản ánh các yêu cầu của kinh tế không trực tiếp mà thông qua chính trị, bởi vì:
+ Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế trong mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp dân tộc trong tổ chức hoạt động của nhà nước (phương hướng, nhiệm vụ, hình thức, nội dung hoạt động);
+ Chính trị thể hiện ở đường lối, chính sách, cương lĩnh của các tổ chức, đảng phái, trong đó đường lối của đảng cầm quyền cũng như đường lối chính trị có ý nghĩa chỉ đạo trong việc xây dựng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Ngược lại, pháp luật lại làm cho đường lối, chính sách của đảng cầm quyền trở thành ý chí của nhà nước, của các tầng lớp giai cấp khác, cho nên chính trị là sự biểu thị các mối quan hệ giai cấp.
+ Vì vậy, trong mối quan hệ với chính trị, pháp luật vừa là biện pháp, phương tiện để thực hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và cũng vừa là hình thức biểu hiện của chính trị.
- Pháp luật với đạo đức
+ Đạo đức là một hệ thống những quy phạm mang tính chất đánh giá của một giai cấp, một dân tộc về những giá trị tinh thần của con người trong xã hội như: thiện, ác, tốt, xấu, cao thượng, thấp hèn, sự công bằng, lẽ phải, khen, chê… Vì thế, không mang tính quyền lực chính trị. Cho nên, những hành vi vi phạm đạo đức chỉ bị phê phán về mặt xã hội, mà không phải thực hiện sự cưỡng chế của nhà nước.
+ Pháp luật là chuẩn mực của hành vi, tồn tại dưới dạng thành văn, mang dấu hiệu quyền lực chính trị (do nhà nước ban hành). Do vậy, đạo đức và pháp luật là mối quan hệ bổ sung, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi con người. Tuy nhiên, pháp luật cũng chịu ảnh hưởng của các quy phạm đạo đức khác trong cã hội. Ngoài những mối quan hệ trên, pháp luật còn có mối quan hệ với các quy phạm khác như: với các tập quán xã hội, các quy phạm của các tổ chức xã hội khác…