Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền ban hành theo một trình tự, thủ tục do pháp luật quy định, bao gồm các quy tắc xử sự chung được nhà nước bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội nhất định.
Văn bản quy phạm pháp luật gồm hai loại:
Văn bản luật: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Hiến pháp được coi là luật cơ bản, luật gốc chiếm một vị trí đặc biệt trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực pháp lý tối cao. Hiến pháp quy định các vấn đề cơ bản của nhà nước như chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Hiến pháp là cơ sở pháp lý cho toàn bộ hệ thống pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật khác không được trái hoặc mâu thuẫn với Hiến pháp.
Các đạo luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các đạo luật, bộ luật có hiệu lực pháp lý cao nhất sau Hiến pháp và:
+ Chỉ Quốc hội mới có quyền thông qua, sửa đổi hoặc hủy bỏ luật;
+ Tất cả những văn bản pháp luật đều phải được ban hành trong sự phù hợp nghiêm ngặt với luật;
+ Các văn bản dưới luật trái với các đạo luật không có hiệu lực pháp lý và bị bãi bỏ, hoặc hủy bỏ;
+ Các đạo luật không chịu sự kiểm tra và bị đình chỉ của bất kỳ cơ quan nào ngoài Quốc hội.
- Văn bản dưới luật là văn bản do các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật hoặc các tổ chức chính trị - xã hội khi được nhà nước trao quyền ban hành trên cơ sở để thi hành hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
Theo quy định của Hiến pháp 1992, ở nước ta hiện nay có những văn bản sau:
+ Pháp lệnh và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Pháp lệnh và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực pháp lý thấp hơn Hiến pháp, các đạo luật, nghị quyết của Quốc hội, nhưng lại có giá trị pháp lý cao nhất trong các văn bản dưới luật;
+ Quyết định, chỉ thị, thông tư của Chán án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Quyết định, chỉ thị, thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
Các nghị quyết, thông tư liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với tổ chức chính trị - xã hội;
Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các cấp;
Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân các cấp.