Cấu trúc của quy phạm pháp luật là cơ cấu (bộ phận) bên trong của quy phạm hay các yếu tố cấu thành của quy phạm pháp luật. Quy phạm pháp luật bao gồm ba bộ phận:
- Giả định: Là phần quy định về địa điểm, thời gian, chủ thể, hoàn cảnh, tình huống có thể xảy ra trong thực tế - là việc xác định môi trường tác động của quy phạm pháp luật.
- Quy định: Là bộ phận trung tâm của quy phạm – là quy tắc xử sự chung thể hiện ý định của nhà nước buộc mọi người phải thực hiện.
- Chế tài: Là phần chỉ ra những biện pháp tác động mà nhà nước sẽ áp dụng đối với người thực hiện không đúng hay không thực hiện quy phạm pháp luật.
Pháp luật Việt Nam quy định các loại chế tài sau:
+ Chế tài hình sự (tử hình, tù chung thân, tù có thời hạn…);
+ Chế tài hành chính (cảnh cáo, phạt tiền…);
+ Chế tài kỷ luật (cảnh cáo, sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động…);
+ Chế tài dân sự, kinh tế (bồi thường thiệt hại, hủy bỏ hợp đồng,…)
Có loại quy phạm pháp luật chỉ gồm hai bộ phận:
+ Giả định;
+ Quy định.
Quy phạm pháp luật trong Luật tư pháp quốc tế gọi là quy phạm xung đột gồm hai bộ phận:
+ Phần phạm vi, tức là phần quy định rõ quy phạm xung đột cụ thể sẽ được áp dụng đối với nhóm quan hệ xã hội cụ thể nào.
+ Phần hệ thuộc là phần chỉ rõ hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh mối quan hệ xã hội đã được xác định ở phần phạm vi.
Quy phạm xung đột là loại quy phạm đặc trưng của tư pháp quốc tế, nó không giải quyết trực tiếp, dứt khoát, toàn thể vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ pháp luật, mà chỉ xác định pháp luật nước nào cần phải áp dụng để điều chỉnh các quan hệ quốc tế phát sinh giữa các bên.