Gia nhập là việc một chủ thể của Luật quốc tế quyết định đồng ý ràng buộc mình với điều ước quốc tế nhiều bên đã có mà mình chưa phải là thành viên. Theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005, gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.
Cũng theo Luật này, Quốc hội quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chủ tịch nước quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Nhà nước, điều ước quốc tế nhiều bên có quy định phải phê chuẩn. Chính phủ quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên nhân danh Chính phủ.
Nội dung của quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên, trình tự thủ tục trình, quyết định gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên được quy định ở Khoản 4 Điều 50 và điều 51 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005. Đối với Công ước Viên 1969, đến nay đã có trên 100 quốc gia là thành viên của Công ước này, trong đó có 24 quốc gia ký kết và còn lại là những quốc gia gia nhập.