Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam Bùi Văn Dũng tham dự Hội nghị tập huấn Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa
Ngày 20/09/2017, tại Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội thứ 14, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua tờ trình của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa và giao Chính phủ thực hiện các thủ tục gia nhập Công ước này. Theo thông lệ quốc tế, Chính phủ giao cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là cơ quan cấp sổ tạm quản và cơ quan bảo lãnh nhằm triển khai thực hiện Công ước sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục gia nhập.
Công ước Istanbul được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực từ ngày ngày 27/11/1993 dưới sự quản lý của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) với mục đích là tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế và hài hòa hóa các thủ tục tạm quản, giúp cơ quan quản lý kiểm soát tốt hàng hóa tạm nhập, tái xuất và tạm xuất, tái nhập, góp phần đạt được mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch. Tính đến tháng 01/2017, có 68 quốc gia là thành viên Công ước, các quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện cơ chế tạm quản là 70.
Đồng chí Nguyễn Toàn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan
Để tiếp cận và nghiên cứu về việc thực thi Công ước Istanbul, ngày 18/12/2017 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị tập huấn Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa. Tham dự Hội nghị tập huấn có đại diện Tổng cục Hải Quan (Bộ Tài chính), cán bộ hải quan, VCCI, Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam, Hiệp hội và các đơn vị liên quan.
Đồng chí Bùi Văn Dũng Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Toàn Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan cùng các đại biểu tại Hội nghị tập huấn Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa.
Công ước Istanbul gồm phần thân công ước (05 chương với 34 điều) với các nguyên tắc cơ bản của công ước, những điều khoản thiết yếu để Công ước được áp dụng nhất quán; các điều khoản về: Phạm vi, cấu trúc cơ chế quản lý, gia nhập, sửa đổi Công ước,… Và 13 phụ lục quy định về từng nhóm mặt hàng cụ thể. Phụ lục là phần không tách rời của Công ước. Mỗi Phụ lục gồm 3 chương. Một số phụ lục có một hoặc hơn một phụ chương.
Công ước Istanbul là Công ước đa phương. Các thành viên gia nhập Công ước phải chấp nhận thân Công ước, Phụ lục A (về Chứng từ tạm nhập sổ ATA đối với hàng hóa và sổ CPD đối với phương tiện vận tải) và ít nhất 01 phụ lục trong tổng số 12 phụ lục còn lại của Công ước. Việc tham gia các phụ lục còn lại phụ thuộc vào nhu cầu và năng lực quản lý của mỗi bên tham gia.