Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam Bùi Văn Dũng dự Hội nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Sáng ngày 21/03/2013 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Kiểm soát chi phí nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”.
Đồng chí Bùi Văn Dũng Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam tại hội nghị.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính có thể là do các vấn đề liên quan đến kiểm soát chi phí, sử dụng nguồn vốn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khắc phục những khó khăn trên.
Sáng ngày 21/03/2013 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Kiểm soát chi phí nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp”.
Tại hội nghị các đại biểu đã nêu rõ khi đối mặt với một nền kinh tế đang biến động, tình hình sản xuất gặp khó khăn, đầu ra sản phẩm bế tắc trong lúc gánh nặng chi phí vẫn gây áp lực hằng ngày lên doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, đây là cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp kiểm soát chi phí thích hợp, tìm cách chi tiêu hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, kiểm soát chi phí thích hợp không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cắt giảm chi phí. Bởi cắt giảm chi phí thường được coi là biện pháp loại bỏ chi phí một cách đồng loạt, máy móc. Khi cắt giảm chi phí không thích hợp sẽ có tác động xấu đến hiệu quả công việc, đặc biệt các chi phí liên quan đến tiền lương của người lao động. Điều đó hoàn toàn không thích hợp với những doanh nghiệp đang cần sự chung vai, sát cánh của đội ngũ nhân viên trong giai đoạn khó khăn, nguy hiểm hơn sẽ làm tỷ lệ chảy máu chất xám gia tăng.
Do vậy, kiểm soát chi phí thích hợp là việc làm có tổ chức, linh hoạt và được điều chỉnh thường xuyên để chi phí hoạt động của doanh nghiệp được giảm bớt mà không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu quả và cơ hội kinh doanh.
Lợi nhuận luôn là mục tiêu cuối cùng để các doanh nghiệp hướng tới, vì vậy, doanh nghiệp cần tăng doanh thu và giảm chi phí trong mỗi đơn vị hàng hóa bán ra. Theo nguyên tắc, thay vì các doanh nghiệp tăng giá thành sản phẩm để khắc phục hoàn cảnh khó khăn hiện nay, cần phải đẩy mạnh tiết kiệm chi phí trong đó chú trọng cải tiến về công nghệ sản xuất, thay đổi cách thức quản lý điều hành hợp lý và hiệu quả, tạo ra thế cạnh tranh về giá để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm ra những phân khúc thị trường phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Một trong những biện pháp tiết kiệm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện là chủ động tìm các nguồn nguyên vật liệu trong nước thay thế nhằm giảm giá thành, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới.
Mặt khác, các nhà quản lý cũng cần kiểm soát chi phí một cách hợp lý bằng các biện pháp lập kế hoạch chi phí và lượng hóa chi phí để thực hiện. Để thực hiện, nhà quản lý doanh nghiệp cần xác định các khoản chi cần thiết và xây dựng định mức chi phí cho các chi phí này. Việc xây dựng định mức chi phí sẽ là một cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần xây dựng ý thức tiết kiệm chi phí cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Để việc tiết kiệm chi phí được thực hiện thành công, cần khuyến khích sự tham gia của toàn thể đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, đồng thời có chế độ động viên hợp lý để mỗi thành viên hiểu và trân trọng phần đóng góp của cá nhân mình trong doanh nghiệp.
Việc kiểm soát chi phí là công việc không chỉ của người đứng đầu doanh nghiệp hoặc một bộ phận cụ thể nào mà là của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp. Trong khi tăng trưởng doanh thu không mấy khả quan thì đẩy mạnh kiểm soát chi phí được coi là liệu pháp hiệu quả góp phần gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Trong điều kiện bức tranh kinh tế còn chưa sáng sủa, đây sẽ không chỉ là giải pháp trước mắt mà còn là giải pháp lâu dài cho mỗi doanh nghiệp.