Loading...
Nơi mình sinh ra và lớn lên!
05/09/2020 - 5154 lượt xem
Dựa trên các tài liệu lịch sử, Thanh Hóa là nơi phát tích nhiều vua, chúa nhất nước ta với 65 vị vua, chúa, trong đó có 44 vị vua của 4 triều đại khác nhau trong lịch sử phong kiến Việt Nam, gồm: nhà Tiền Lê (3 vua), nhà Hồ (2 vua), nhà Hậu Lê (26 vua), nhà Nguyễn (13 vua). Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng là nơi sinh ra 2 dòng chúa với 21 vị chúa, đó là: chúa Trịnh (12 đời chúa), chúa Nguyễn (9 đời chúa).

Tỉnh Thanh Hóa hiện nay là 1 trong 63 tỉnh thành phố của Việt Nam. Trước đây, Việt Nam có 64 tỉnh thành, tuy nhiên ngày 29/05/2008 Quốc hội ban hành Nghị quyết 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo đó, từ ngày 01/08/2008 thì tỉnh Hà Tây được hợp nhất vào thành phố Hà Nội. Từ đó, Việt Nam có 63 tỉnh thành phố từ ngày 01/08/2008.

Xét về mặt địa lý, đặc điểm chung của tất cả các vua, chúa phát tích từ Thanh Hóa, được sinh ra từ các huyện có diện tích rất nhỏ nằm thành cụm liền kề nhau, chiếm diện tích khoảng 1/11 trong tổng diện tích tỉnh Thanh Hóa. Trong hình cũng đã thể hiện đầy đủ tất cả địa danh các huyện là nơi phát tích các dòng vua, chúa của nước ta, sinh ra từ Thanh Hóa. Bản đồ hành chính chi tiết, được trích dẫn từ một phần nhỏ của bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa năm 2014.

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa

Viết về Thanh Hóa quê mình!

Mỗi một vùng quê trên đất nước Việt Nam, nơi mỗi người chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ, đều đáng quý, đáng trân trọng và tự hào!

 

Ông nội Dũng quê ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, là bộ đội tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Đóng quân ở làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình bà nội khi đó che chở và đùm bọc cán bộ cách mạng. Trong quá trình chiến đấu ông bị thương (thương binh loại A), được bà tận tình chăm sóc, cùng với thời gian ông bà có tình cảm và kết hôn với nhau. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, lớn lên các bác Dũng cùng ông nội, tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sau khi kháng chiến thành công, ông quyết định ở lại làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sinh sống và định cư. Từ mối nhân duyên ấy, sau này bố, mẹ Dũng cưới nhau, sinh ra Dũng tại làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, ngôi làng do chính vua Lê Đại Hành lập nên cách đây hơn một nghìn năm, với tên ban đầu là Quần Ngãi Trang.

 

Đến thời Lý (1010 – 1225), Quần Ngãi Trang đổi tên là làng Bùi Hạ và tên gọi làng Bùi Hạ chính thức từ đây, tên gọi làng Bùi Hạ được gìn giữ theo chiều dài lịch sử đất nước xuyên suốt hàng nghìn năm đến ngày nay. Làng Bùi Hạ nằm ngay bên cạnh làng sinh vua Lê Đại Hành, cách làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân nơi vua Lê Đại Hành sinh, chỉ một dòng sông Cầu Chày (sông Cầu Chày đồng thời cũng là con sông phân cách địa giới hành chính hai huyện Thọ Xuân và Yên Định). Cách đây hơn 1.000 năm, tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa đã sinh ra vua Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) vị anh hùng dân tộc (vua Lê Đại Hành là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Theo danh sách Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công bố, năm 2013). Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua, Lê Đại Hành hoàng đế đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh.

 

Cũng từ sự tò mò khi còn bé, Dũng từng thắc mắc và tự hỏi chính mình, thời đi học tiểu học và trung học cơ sở, những bạn học cùng thời với Dũng trong làng Bùi Hạ và trong xã Yên Phú, các dòng họ khác thì rất nhiều, nhưng Dũng không thấy ai ngoài Dũng mang họ Bùi. Câu hỏi hiện lên trong đầu Dũng khi ấy, vậy tại sao tên làng được đặt là làng Bùi Hạ? Làng Bùi Hạ có từ khi nào? Ai là người lập nên làng?... có rất nhiều câu hỏi hiện lên trong đầu Dũng. Đến khi Dũng học đại học, có nhiều thời gian, Dũng hay qua thư viện, đặc biệt là thời gian Dũng qua Thư viện Quốc gia Việt Nam, tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu lịch sử, cũng từ đây Dũng nghiên cứu về lịch sử làng Bùi Hạ, lịch sử Thanh Hóa và viết bài viết về quê hương mình.

 

Mặc dù, Dũng đã rất cố gắng và tâm huyết, tỉnh Thanh Hóa còn có rất nhiều nét đẹp! Tuy nhiên, vì thời gian và hiểu biết của Dũng có hạn, Dũng chỉ có thể cập nhật một phần nào đó những sự kiện chính về quê hương Thanh Hóa, đến thời gian đất nước hòa bình, độc lập, thời đại ngày ngay. Quá khứ, các thế hệ đi trước của quê hương Thanh Hóa đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, để viết tiếp những trang sử mới của quê hương Thanh Hóa không ai khác chính là mỗi người dân quê hương Thanh Hóa hôm nay và mai sau. Dũng mong rằng, qua bài viết của Dũng có thể đóng góp một phần nào đó nhỏ bé của Dũng để thế hệ trẻ hiểu hơn về quê hương mình, và tự hào hơn về Thanh Hóa quê mình!

Nơi mình sinh ra và lớn lên!

Từ rất lâu, làng Bùi Hạ đã được biết đến như một địa danh Văn hóa không chỉ riêng của Yên Định mà còn của cả xứ Thanh. Làng Bùi Hạ còn được biết đến bởi mảnh đất này do chính vua Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) lập nên cách đây hơn 1000 năm với cái tên ban đầu là Quần Ngãi Trang. Theo Thần Phả "Bùi Hạ thôn Ngọc Lục", vào các năm Tự Đức thứ hai mươi hai, triều Nguyễn, năm Kỷ Tỵ nhuận, 1868, toàn các cụ phụ lão, viên chức xã Khoái lạc, thôn Bùi Hạ đã đến tận nhà cụ Nguyễn Hiền, xã Sơn Động, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây, ghi chép lại bản soạn thảo lịch sử Đức Thánh Lê Hoàn của Hàn lâm viện, Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính (1505 - 1605) để đem về thờ. Trong "Bùi Hạ thôn ngọc lục" ghi rõ : "... Lúc ấy, vua Lê ở Lương Giang huyện, Trung Lập trang, thấy đất có linh địa tại bên sông có hình con rồng ở. Thấy nhân dân tới đây chặt cây gặp nhiều tai họa nên dần không dám vào khu ấy nữa.

 

Nhà vua thấy thế, lập một miếu thờ tại linh địa, và kêu gọi nhân dân đến ở vùng đất này, thành lập một ấp, lấy tên là Quần Ngãi Trang ấp. Vua lại cấp tiền một trăm quan để nhân dân dùng vốn ấy khai khẩn đất hoang thành đồng ruộng phì nhiêu và cho miễn thuế năm năm. Từ đấy về sau, dân cư yên ổn làm ăn. Trang ấp thịnh vượng. Chưa được một năm, tức là năm Phúc Nguyên niên, 980, giặc Tống sang cướp nước ta"... Cứ theo cách diễn giải trong "Bùi Hạ thôn ngọc lục" thì rất có thể làng Bùi Hạ được vua Lê Hoàn lập vào năm 979.

Cách đây hơn một nghìn năm, quê hương Thanh Hóa đã sinh ra vua Lê Đại Hành vị anh hùng dân tộc (vua Lê Đại Hành là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay. Theo danh sách Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công bố, năm 2013). Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua, Lê Đại Hành hoàng đế đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Sáng ngày 05/09/2020, vào lúc 05h56', ở quê nhà Yên Định - Thanh Hóa, khi nhìn lên bầu trời, thấy hình ảnh đám mây đầu rồng há miệng nuốt mặt trời, như rồng ngậm ngọc, mình lấy điện thoại chụp lại, bất chợt nhớ đến vua Lê Đại Hành. Phải chăng đây là con rồng hơn 1.000 năm trước vua nhìn thấy ở làng Bùi Hạ, nay xuất hiện trên bầu trời? 

 

Các cụ làng Bùi Hạ giải thích nghĩa "Quần Ngãi Trang ấp" mà vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) đặt cho là làng gồm những người vì nghĩa lớn. Làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Định nằm ngay bên cạnh làng sinh vua Lê Đại Hànhcách làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân nơi vua Lê Đại Hành sinh, chỉ một dòng sông Cầu Chày (sông Cầu Chày đồng thời cũng là con sông phân cách địa giới hành chính hai huyện Thọ Xuân và Yên Định).

Bản đồ hành chính chi tiết, được trích dẫn từ một phần của bản đồ hành chính tỉnh Thanh Hóa năm 2014.

Đền thờ vua Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân 2014.

 

Năm 979 vua Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích một vị quan trong triều ám hại, Đinh Toàn mới sáu tuổi, con trai thứ của vua Đinh lên ngôi Hoàng đế, con còn nhỏ, Thái hậu Dương Vân Nga nắm giữ quyền bính triều chính, thế nước rất yếu, giặc Tống nhân cơ đem quân xâm lấn nước Đại Cồ Việt. Vì nghĩa lớn, Thái hậu Dương Vân Nga phải truyền ngôi báu cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, năm 980, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế mở ra nhà Tiền Lê (980 - 1009). Nhà Tiền Lê trải ba đời vua gồm Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Ngọa Triều (1005 - 1009). 

(Ảnh minh hoạ vua Lê Đại Hành)

Lê Hoàn quê ở làng Trung lập (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân), ông chiếu mệnh và tự cầm quân dẹp giặc Tống xâm lược nước ta. Khi hành quân đến đất Quần Ngãi Trang, vua trú quân ở đây, đêm mộng thấy Thần Đại quản sơn Lâm Hổ uy đại tướng sẽ phù trợ vua đánh thắng giặc Tống xâm lược. Sau bận ấy, Lê Hoàn đại thắng giặc Tống ca khúc khải hoàn, Lê Hoàn nghiệm mảnh đất Quần Ngãi Trang linh thiêng. Do vậy Lê Hoàn xuống chiếu, ban sắc phong thần là Dương Cảnh Thành hoàng Chiêu Hiển linh cảm, tên húy là Đại Quản Sơn Lâm Hổ uy Đại tướng quân thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương. Chuẩn cho Quần Ngãi Trang dựng Nghè Thượng thờ “Hổ Bạch Đại tướng quân”. Từ đó Nghè Thượng như một điểm hẹn, ngày rằm, ngày tết hàng năm dân làng Quần Ngãi Trang thờ phụng, lễ vật gồm xôi, thịt, của ngon vật lạ cung tiến Hổ Bạch Đại tướng quân.

 

Đến thời Lý (1010 – 1225), Quần Ngãi Trang đổi tên là làng Bùi Hạ, thuộc huyện An Định, lộ Thanh Hóa.

Thời Trần – Hồ và thuộc Minh: làng Bùi Hạ vẫn thuộc huyện Yên Định

Đến đời Lê Thánh Tông – năm Quang Thuận thứ nhất (1460 – 1469), Bùi Hạ thuộc huyện Yên Định, phủ Thuận Thiên, thừa tuyên Thanh Hóa.

Thời Nguyễn (đầu thế kỷ XIX) làng Bùi Hạ thuộc xã Khoái Lạc, tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên.

Đời Đồng Khánh (1886 – 1888) đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, làng Bùi Hạ thuộc xã Khoái Lạc, tổng Khoái Lạc, huyện Yên Định, phủ Thiệu Hóa.

Từ năm 1945 đến nay làng Bùi Hạ thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

 

Phía nam làng Bùi Hạ lại có Nghè Hạ, Nghè Hạ cũng uy nghi, linh thiêng không kém gì Nghè Thượng. Nghè Hạ thờ phụng Đào Cam Mộc, vị tướng có công giúp Lý Công Uẩn dựng nên vương triều nhà Lý được phong đến Nghĩa Tín Hầu, Thái Sư Á vương, chức quan cao nhất trong triều lúc bấy giờ (tương đương với chức Thủ tướng Chính phủ ngày nay).

 

Thái sư là chức quan đứng đầu trong "Tam thái", bao gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Đây là chức quan đứng đầu triều trong chế độ phong kiến, tuy nhiên, không phải triều đại nào cũng đặt ra chức Thái sư.

(Ảnh minh hoạ Thái Sư Á vương Đào Cam Mộc)

Đào Cam Mộc quê ở chàng lang (Định Tiến, Yên Định). Sau khi Đào Cam Mộc bãi quan, ông không thiết triều nữa mà về quê chung sống với mẹ già. Tại đây hai mẹ con ông mất, được dân làng chôn cất, mộ chí hai mẹ con ông được xây dựng trên một mô đất cao. Buổi ấy dòng sông Mã thủy triều hung dữ, cuộn sóng dâng cao, mồ mã hai mẹ con ông trôi dạt lên mãi làng Nam Thạch, hiện nay làng Nam Thạch vẫn còn Nghè thờ hai mẹ con ông. Tại Nghè thờ dân làng tạc hai tượng gỗ, tượng trưng cho hai mẹ con Đào Cam Mộc, hai pho tượng điêu khắc rất đẹp, mang tính nghệ thuật rất có giá trị. Cũng dạo ấy dòng sông Mã, cứ hàng năm gây lụt, tại đoạn đê Đòn Trang bị vỡ, cuốn trôi hai pho tượng và một số đồ thờ ở nghè Thái sư bị trôi về làng Bùi Hạ. Dân làng Bùi Hạ nhận được hai pho tượng và đồ thờ, qua đọc bài vị bèn gửi trả lại nghè làng Nam Thạch. Năm sau vẫn lụt, vỡ đê Bông Văn, hai pho tượng và đồ thờ ở nghè quan Thái sư vẫn trôi về ngụ tại làng Bùi Hạ. Lần này dân làng Bùi Hạ nghiệm hai mẹ con Đào Cam Mộc muốn ở lại làng Bùi Hạ để dân làng Bùi Hạ thờ phụng. Cũng từ đây dân làng Bùi Hạ bỏ bao công sức, tiền của để xây dựng nên Nghè Hạ. Nghè Hạ được xây trên nền đất cao, hướng về phía tây, làng vẫn trồng hai cây thông to, cao, cũng vẫn hai con rồng được đắp chạm trỗ rất đẹp, chầu chực bảo vệ sự yên bình cho dân làng Bùi Hạ.

 

Làng Bùi Hạ với dòng sông, cây đa, bến nước, sân đình, bây giờ chỉ còn là những kỷ niệm khó quên với các cụ già trong làng và ở đây còn một truyền thuyết về một dòng sông hào hùng từ thủa xa xưa của cha ông. Với dòng sông Cầu Chày chưa từng một trang sách nào ghi chép kỹ, chỉ có lớp người cao tuổi mới có được đầy đủ những tư liệu tiềm ẩn “Cầu Chày chó lội đứt đuôi”. Tức dòng sông Cầu Chày chảy xiết, nó có sự tích của một thời. Thời Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) chống giặc Minh, thủa ấy trên đê Cầu Chày, cứ cách hai, ba trăm mét, nữa cây số lại có một cây gạo, một cây đa ven đê, lau cù rậm rạp. Giặc Minh xâm lược nước ta, mười năm đô hộ, mười năm giặc Minh phải chống lại với nghĩa quân Lê Lợi. Có bận giặc Minh đuổi theo Lê Lợi, dọc theo đê Cầu Chày, nơi đó có cây gạo lớn, gốc gạo có đến hai, ba người ôm, ở gốc gạo lại có lỗ hổng, người chui vào được. Giặc Minh bao vây tứ phía, Lê Lợi phải chui vào hốc cây gạo để trú ẩn, chó săn của giặc Minh đuổi đến chân gốc gạo, sủa vang báo hiệu có người ẩn nấp, giặc Minh áp tới chúng dùng giáo đâm, chọc vào gốc cây gạo, mỗi nhát đâm trúng vào đùi. Lê Lợi cởi áo khoác ngoài tuốt máu, một mũi giáo khác đâm trúng vào một con cáo, cáo nhảy bổ ra, tẩu thoát vào bụi lau gần đó. Đàn chó săn liền bỏ gốc gốc gạo, đuổi theo con cáo, Lê lợi thoát chết.

 

Sau bận ấy Lê Lợi lui về núi Bàn Thề (Lũng Nhai) tụ tập nghĩa binh, dấy binh diệt giặc. Tại núi Bàn Thề Lê Lợi mộ được các tướng Lê Lai, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hản, cũng tại đây Lê Lợi xuống chiếu khởi binh diệt giặc Minh. Theo kế của Lê lợi, ông đã dùng mỡ lợn chấm vào lá cây rừng, kiến ăn mở trên vết lá, hiện lời hiệu triệu muôn dân theo Lê Lợi diệt giặc. Sau đó lá cây rừng được thả xuống các dòng sông: Cầu Chày, sông Chu, sông Mã, Kết cục tại núi Chí Linh Lê Lợi đã mộ đầy đủ nghĩa quân, đủ điều kiện đánh thắng giặc Minh. Kết thúc thời kỳ đô hộ 10 năm của giặc ngoại xâm phương bắc.

Ảnh minh hoạ vua Lê Thái Tổ hoàn trả gươm thần cho Rùa Vàng sau khi lên ngôi Hoàng Đế (sự tích Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội).

 

Thời gian 1428 – 1789 là thời kỳ tồn tại của nhà Hậu Lê gồm giai đoạn Lê sơ (1428 - 1527) và Lê Trung hưng (1533 - 1789). Người sáng nghiệp nhà Hậu Lê là Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh. Ông quê ở xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Giai đoạn Lê sơ trải qua 10 vị vua từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng, được xem là thời thịnh trị của chế độ phong kiến Đại Việt với đỉnh cao là đời vua Lê Thánh Tông trị vì (1460 - 1497). Giai đoạn Lê Trung hưng đánh dấu sự phục hồi của nhà Lê sau khi bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi với vị vua đầu tiên Lê Trang Tông (1533 - 1548), và kết thúc với vua thứ 16 Lê Chiêu Thống (1786 - 1789).

(Ảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội)

Đến thời Lê Hiển Tông (1740 – 1786), làng Bùi Hạ có vị đỗ đại khoa là Tiến sĩ Trần Thiều Sưởng, thi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775), năm 40 tuổi, làm chức Thị thư và Hiến sát sứ, ông được khắc trên Bia Tiến sĩ, dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Đây là tấm gương để sĩ tử nơi đây học tập và noi theo.

 

Ở làng Bùi Hạ từng có bốn ngôi đền thờ Thiên thần, thờ nhân thần. Đó là đến thờ Thần Hổ giúp Vua đánh thắng quân Tống được sắc phong: Đại quản sơn lâm, Hổ uy Đại tướng quân, Thượng đẳng tối linh, phúc thần đại vương. Rồi đền thờ các vị khai quốc công thần. Ví như đền thờ Đế Thích, người giúp Lê Hoàn hưng nghiệp.

Rồi đền thờ Đào Cam Mộc, vị tướng có công giúp Lý Công Uẩn dựng nên vương triều nhà Lý được phong đến Nghĩa Tín Hầu, Thái Sư Á vương. Ở đây còn nguyên vẹn 2 hàng voi đá, ngựa đá, quan văn, quan võ tuyệt đẹp. Tương truyền, 2 hàng voi đá, ngựa đá và quan văn, quan võ này, Chúa Trịnh Sâm đem từ Nhồi về dựng. Chưa ai giải mã được bí ẩn của 2 hàng voi đá, ngựa đá và quan binh này cùng với những bí ẩn về truyền thuyết chín mươi chín gò đất cách đấy chưa đầy một cây số.

Ảnh một phần khu di tích voi đá, ngựa đá, quan văn, quan võ tại xã Yên Phú – Yên Định – Thanh Hóa năm 2013 (khu di tích gồm những pho tượng đá đứng uy nghi, bố trí thành hai hàng, với 16 pho tượng, mỗi bên 8 pho tượng xếp thẳng hàng nhau).

 

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, làng Bùi Hạ đã là nơi chuẩn bị lực lượng cách mạng cung cấp cho chiến khu Ngọc Trạo. Cái tên Cây ắng đã đi vào lịch sử. Và cũng từ làng Bùi Hạ, một trung đội dân quân đã tổ chức tiến đánh đồn Đa Nẵm. Đất thiêng tụ khí thiêng. Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Bùi Hạ không những tiễn hàng trăm lượt người con lên đường đi chiến đấu mà làng Bùi Hạ còn trở thành nơi chở che, đùm bọc bao nhiêu cán bộ cách mạng cấp cao của Đảng, bao nhiêu đoàn quân về đây chuẩn bị lực lượng.

 

Khu trường Tiểu học và trung học cơ sở hai tầng bây giờ, trước kia là một trại bùi. Gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, gia đình đồng chí Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (Cụ thân sinh Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đương chức Phạm Bình Minh) đã sơ tán về đây. Làng Bùi Hạ cũng là đại bản doanh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp đầy cam go, ác liệt, làng Bùi Hạ đã trở thành cái nôi an toàn cho không biết bao nhiêu cán bộ Trung ương cũng như của quân đội, từ đây liên lạc, nối liền toàn Khu Bốn với cả nước.

Sau khi đất nước được hòa bình và độc lập, ghi nhận những đóng góp của làng Bùi Hạ với đất nước, Chính phủ quyết định công nhận làng Bùi Hạ là quê hương cách mạng và phong tặng bằng có công với nước " làng Bùi Hạ"; QĐ số: 444 QĐ/TTg của Thủ Tướng Chính Phủ: Nguyễn Tấn Dũng ngày 07/4/2009.

Đất và người Yên Định

Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh (Bà Triệu)

"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta" - Truyền thuyết về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá và Đại Nam nhất thống chí (Thanh Hoá tỉnh - tập hạ).

(Ảnh minh hoạ Lệ Hải Bà Vương Triệu Thị Trinh)

Triệu Thị Trinh (còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu) là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam, in đậm trong tâm tư, tình cảm mỗi người dân Việt Nam như một huyền thoại. Bà sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ 226 tại làng Cẩm Trướng, huyện Quân Yên (cũng tức là huyện Quan Yên), quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá).

 

Truyền thuyết dân gian kể rằng: Bà Triệu đã chiến đấu chống giặc Ngô, trên ba mươi trận thắng lợi. Mỗi lần gặp Bà Triệu, kẻ thù phải gọi Bà là “Lệ Hải Bà Vương”. Quân Ngô sợ bà, thường có câu:

Hoành qua đương hổ dị,

Đối diện Bà Vương nan.

Dịch:

Múa giáo đánh cọp dễ,

Đối mặt Vua Bà thì thực khó.

Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao

Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1421 - 26 tháng 2, 1496), còn gọi là Quang Thục thái hậu, là một phi tần của vua Lê Thái Tông, mẹ đẻ của vua Lê Thánh Tông của triều đại nhà Hậu Lê.

Ảnh lễ dâng hương tưởng niệm 520 năm ngày mất của Quang Thục Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, do Ban quản lý di tích Lam Kinh tổ chức.

Ngô Thị Ngọc Dao là người đã hết lòng cùng con chăm lo sự nghiệp đế vương, là một trong những chỗ dựa tin cậy của Lê Thánh Tông. Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ rằng, chính bà là người đã không quản đường sá dặm dài, cùng Lê Thánh Tông tiến hành cuộc tấn công vào đất Chiêm Thành, cuối năm 1470, đầu năm 1471.

Ngô Thị Ngọc Dao có nguyên danh là Bính, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa (nay là huyện Yên Đinh, tỉnh Thanh Hóa).

Trạng nguyên Khương Công Phụ

Yên Định cũng chính là quê hương của hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục, những người đã có công khai mạch đại khoa nho học cho Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung (Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ Tiến sĩ dưới thời Đường Đức Tông (779-805). Hai anh em đã cùng nhau sang Trung Quốc, dốc chí học tập rồi thi đỗ Tiến sĩ. Đây là hai người Việt đỗ Tiến sĩ đầu tiên, đỗ ngay khi nền giáo dục và thi cử nho học ở nước ta chưa khai sinh). Khoa thi Nho học đầu tiên của nước ta được triều Lý tổ chức vào năm 1075, niên hiệu Thái Ninh thời vua Lý Nhân Tông và khoa thi cuối của chế độ khoa cử Việt Nam dưới thời phong kiến, được triều Nguyễn tổ chức vào năm Kỷ Mùi, niên hiệu Khải Định thứ tư (1919).

(Ảnh minh hoạ Trạng nguyên Khương Công Phụ)

Trạng nguyên Khương Công Phụ, sử nước ta đã ghi chép rằng: khi nước Việt ta còn bị nhà Đường ở phương Bắc đô hộ, đã có một người Việt đỗ Trạng nguyên trong kỳ thi Hán học của nhà Đường, đó là Khương Công Phụ. Ông sinh năm 793 ở làng Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, tổng Cốt Hải, huyện Yên Định (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Ông là một trong 8 vị cống sĩ xứ Giao Châu trúng tuyển, được cử đi thi Hội ở Tràng An (Trung Quốc), sau đó nhà Đường lại mở thêm khoa Chế, ông đỗ xuất sắc với bài Đối trực ngôn cực gián cùng với người em là Khương Công Phục mà đương thời cũng rất nổi tiếng, đã đem lại danh dự và uy tín cho người Việt ở phương Nam. Con người và tác phẩm của anh em họ Khương cũng đã được giới thiệu trong nhiều sách vở của Trung Quốc cũng như Việt Nam như: Từ điển văn hóa Việt Nam (phần Nhân vật chí) NXB Văn hoá Thông tin, 1993; hay trong Việt Nam cổ văn học sử của Nguyễn Đổng Chi, hay trong Toàn Đường văn, Q.446.

 

Theo sách Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Khương Công Phụ sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh nên được cha mẹ cho đi học với một ông thày người Trung Quốc vốn là một Nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường lánh sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thày giỏi nên tài năng của Công Phụ ngày càng phát triển.

 

Trong dịp khảo hạch ở quận, vua Đường chỉ cho sĩ tử An Nam được sang Trường An thi có 8 người nhưng Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng Nguyên sau đó đã làm đến Gián nghị đại phu rồi làm tới chức Tể tướng.

 

Tể tướng là chức quan cao nhất trong hệ thống quan chế thời phong kiến, sau vua hay hoàng đế. Tùy theo từng thời kì, có thay đổi ít nhiều về tên gọi: thừa tướng, tướng quốc,... Chức nhiệm chính của tể tướng là thay mặt vua hay hoàng đế giải quyết mọi việc về chính sự của quốc gia. Chức vụ này tương đương với chức Thủ tướng Chính phủ ngày nay. 

Đền Đồng cổ tâm linh và khát vọng giữ yên nước nhà

Tương truyền ngày xưa, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây có nghỉ lại một đêm trên bến Trường Châu bờ phải sông Mã. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần xưng là thần núi Ðồng Cổ báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Khi vua tỉnh giấc còn nghe tiếng chuông đồng vọng từ ngôi đền dưới chân ba ngọn núi. Nhà vua làm theo những điều mà sơn thần nơi đây báo mộng. Quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế vững chãi từ sức mạnh đoàn kết như kiềng ba chân, đã trở nên linh thiêng. Theo bảng thuyết minh treo ở Thượng Điện: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương (2569 – trước Công nguyên), đến thời Lý (1020) miếu được sửa sang lại, sang thời Lê – Trịnh (1630), miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn…Miếu thờ thần núi Đồng Cổ, vị thần đã giúp các triều đại đánh thắng giặc ngoại xâm và diệt trừ phản loạn: Giúp vua Hùng đánh thắng giặc Hồ Tôn; giúp vua Lý đánh thắng giặc Chiêm và diệt trừ phản loạn; giúp vua Lê-chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc; các đời Đinh, Lý, Trần, Lê thờ cúng đều ứng nghiệm, giúp việc giữ gìn đất nước…”

Sách “Việt điện U Linh” (NXB Văn hóa năm 1960) của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) chép một đoạn về Lý Thái Tông, đại ý: Phụng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ, Thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng:

- Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử đi đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công.

Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc. Quả nhiên, theo lời Đồng Cổ Sơn Thần, vua cho quân tiến đánh giặc Chiêm Thành, giành thắng lợi. Khi khải hoàn về qua Trường Châu, Thái tử bèn sai quân sĩ sửa sang miếu thần thành đền thần, rồi tạ lễ và rồi rước bài vị về kinh đô để dựng đền giúp cho quốc thái dân an.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, đền Đồng Cổ ở phường Yên Thái, huyện Quảng Đức, thành Thăng Long nay là phường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội là phiên bản của Đền Đồng Cổ ở Yên Định, Thanh Hóa. Duyên do nhiều lần kéo quân đi bình phương Nam, Lý Thái Tổ thường cho quân buông màn hạ trại nghỉ ngơi ở khu vực Đồng Cổ Yên Định. Những lần ấy đều được thần Đồng Cổ hiển ứng giúp vua Lý đánh thắng giặc.

Năm 1028, vua Lý Thái Tổ băng hà, Thái tử Lý Phật Mã chưa kịp lên ngôi thì xảy ra loạn Tam vương. Các hoàng tử Vũ Đức, Đông Chính và Dực Thánh khởi loạn giành ngôi báu. Thái tử được Lê Phụng Hiểu giúp sức dẹp yên. Lý Phật Mã lên ngôi vua (Lý Thái Tông) nhận rằng trước thời điểm xảy ra nội loạn trong vương triều, thần núi Đồng Cổ đã báo mộng cho Thái tử biết nên đã kịp thời mà phòng bị.

Từ vụ dẹp xong tạo phản, vua càng tin vào sự linh thiêng của thần Đồng Cổ, xuống chiếu giao cho quan hữu ty dựng đền thờ tại Thăng Long vào năm mới lên ngôi sau chùa Thánh Thọ (1028), lấy ngày 25-3 dựng đàn thề. Sau đó vì tháng 3 có ngày Quốc kị nên chuyển sang ngày mồng 4-4 hàng năm. Nhà vua ban chiếu lập đàn treo cờ tại đền Đồng Cổ, bắt các hoàng thân quốc thích và tất cả triều thần tới đền, đứng trước thần vị, đọc lời thề rằng: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung; ai bất trung bất hiếu, thì xin thần linh làm tội". 

Ngày 23-2-2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cho di tích đền Đồng Cổ Yên Định, Thanh Hóa.

Kết nối các địa danh văn hoá xứ Thanh

Thanh Hóa bao gồm 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 24 huyện. Yên Định là một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, nằm dọc theo sông Mã, cách thành phố Thanh Hóa 28 km về phía tây bắc, phía bắc và phía tây giáp huyện Cẩm Thuỷ và huyện Vĩnh Lộc, phía đông giáp huyện Vĩnh Lộc (lấy sông Mã làm ranh giới), phía tây giáp huyện Ngọc Lặc, phía tây và tây nam giáp huyện Thọ Xuân phía nam giáp huyện Thiệu Hoá (lấy sông Cầu Chày làm ranh giới).

Bản đồ tỉnh Thanh Hóa

Xét về mặt địa lý, khi nhìn vào bản đồ tỉnh Thanh Hóa, những vùng đất phát tích vua, chúa Việt xưa có đặc điểm chung là các huyện nằm liền kề nhau. Ngay bên cạnh huyện Yên Định là huyện Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá và Hà Trung nơi đây cũng là nơi phát tích các dòng vua, chúa trong lịch sử Việt Nam, trong đó huyện Thọ Xuân và huyện Vĩnh Lộc từng là Kinh Đô của nước ta thời Phong Kiến. Huyện Thọ Xuân là nơi đã phát tích ra hai triều đại trong lịch sử phong kiến Việt Nam đó là triều đại Tiền Lê và Hậu Lê. 

Lễ hội Lam Kinh 2010

Ở huyện Thọ Xuân có khu di tích Lam Kinh nơi yên nghỉ của các vị Vua nhà Hậu lê, sau khi kháng chiến chống giặc Minh thắng lợi, năm Mậu Thân (1428) mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long) đồng thời chủ trương cho xây dựng ở quê hương, đất tổ Lam Sơn một kinh thành thứ hai gọi là Lam Kinh – còn có tên gọi nữa là Tây Kinh.

Lễ hội Lam Kinh tại khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh ngày 26/09/2013.

Và ở Thọ Xuân còn có một kinh đô nữa là Hành cung Vạn Lại – Yên Trường kinh đô thời Lê Trung Hưng.

 

Trong lịch sử nước ta, Thanh Hóa là nơi phát tích của 4 triều đại phong kiến: Tiền Lê, Hậu Lê, nhà Hồ, nhà Nguyễn và ghi nhận chính thức có hai dòng chúa là chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Cả hai dòng chúa đều phát tích từ xứ Thanh.

 

Chúa Trịnh thời vua Lê – chúa Trịnh thế kỷ XVI  - XVIII do Trịnh Kiểm lập nên. Ông vốn xuất thân nghèo nàn từ làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Dòng dõi chúa Trịnh bắt đầu từ chúa Trịnh Kiểm (1545 - 1570) cho đến thời chúa Trịnh Bồng (1786 - 1787) trải qua 12 đời chúa.

(Ảnh minh họa vua Hồ Quý Ly)

Huyện Vĩnh Lộc cũng là nơi Hồ Quý Ly chọn làm kinh đô nước ta thời nhà Hồ, hiện nay Thành Nhà Hồ được UNESCO Công nhận là di sản Văn hoá Thế giới. Năm Canh Thìn (1400), ngoại thích Hồ Quý Ly thoán đoạt ngôi vị nhà Trần lập nhà Hồ với kinh đô ở thành Tây Giai, tức Tây Đô của Thanh Hóa. Tổ tiên ông vốn ở Chiết Giang, Trung Quốc, sau di cư sang sống ở Diễn Châu, Nghệ An rồi chuyển ra hương Đại Lại, Thanh Hóa lập nghiệp. Nhà Hồ truyền qua hai đời vua trong 7 năm (1400 - 1407).

Thành Nhà Hồ được coi là tòa thành đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít còn lại trên thế giới. Ngày 27/6/2011, tại Paris (Pháp), trong kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản thế giới, UNESCO đã công nhận thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

 

Tháng 12 năm Tân Mão (931), Dương Đình Nghệ quê ở làng Giàng, nay thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã đánh đuổi quan đô hộ Lý Khắc Chính, Lý Tiến của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng làm Tiết Độ sứ, nhưng thực ra đã là một “vua không ngai” khi tiếp nối được nền độc lập, tự chủ do dòng họ Khúc dựng nên từ năm Ất Sửu (905).

(Ảnh minh hoạ Tiết  Độ Sứ Dương Đình Nghệ)

Chín đời chúa Nguyễn được lập nên sau thời chúa Trịnh. Vào năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng nghe theo lời Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên “Hoành Sơn nhất đại, khả dĩ dung thân” đã vào trấn trị đất Thuận Hóa. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là con trai thứ của An Thành hầu Nguyễn Kim người Gia Miêu ngoại trang thuộc huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, Thanh Hoá). Dòng dõi chúa Nguyễn trải qua 9 đời từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) cho tới Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777), có công lập nên và khai phá đất Đàng Trong, mở rộng dần về phía Nam đất nước cho tới tận Mũi Đất, Cà Mau.

(Ảnh minh hoạ chúa Nguyễn Hoàng)

Triều đại cuối cùng của Việt Nam là nhà Nguyễn (1802 - 1945) do Nguyễn Ánh Gia Long hưng khởi, tổ tiên của ông là chúa Nguyễn Hoàng vốn bản quán ở Gia Miêu ngoại trang (Thanh Hóa). Nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua, bắt đầu từ vua Gia Long (1802 - 1820) cho đến vua Bảo Đại (1926 - 1945).

(Ảnh minh hoạ vua Gia Long)

Núi hàm rồng (tức núi Long Hạm)

Núi Hàm Rồng là mỏm núi cuối cùng của dãy núi chạy từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, men theo hữu ngạn sông Mã về đến chân cầu Hàm Rồng, dài khoảng trên 2km. Vùng đất uốn lượn theo dòng sông Mã với 99 ngọn núi đá, vừa dài vừa uốn lượn uyển chuyển liên tiếp như hình rồng 9 khúc nhấp nhô tạo dáng hình con rồng.

 

Trên núi có động Long Quang (mắt rồng) rất đẹp. Động Long Quang còn có tên gọi là động Mắt Rồng do phía trên động có hai cửa hai bên, nhìn như hai mắt của con rồng. Đứng từ cửa động, có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Thanh Hóa ẩn hiện giữa núi non trùng điệp và dòng sông Mã uốn lượn như đang ôm ấp núi Rồng. 

Cầu Hàm Rồng

Dưới núi miệng rồng như há ra ở sát mặt sông, hàm trên ở nơi cao, hàm dưới là dãy đá ăn ngầm dưới đáy sông, trông như hàm rồng đang hút nước sông Mã. Đối diện với núi Hàm Rồng, bên bờ bắc sông Mã là núi Ngọc hay còn gọi là núi Châu Phong. Nhìn xa, phong cảnh khu danh thắng này giống như con rồng đang vờn hạt ngọc. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, từ xưa, động Long Quang đã lôi cuốn nhiều thi nhân, mặc khách đến vãn cảnh như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Cao Bá Quát, Phạm Sư Mạnh… Trên những bức tường đá bên trong động hiện còn lưu giữ nhiều bài thơ chữ Hán từ thời Hậu Lê ca ngợi thắng cảnh núi Rồng, sông Mã.

 

------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Quê hương vua Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn, tức năm Tân Sửu-941, là người ái Châu tức Thanh Hóa (Đại Việt sử ký toàn thư, Q.1-13a, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, T.1, tr. 220).

 

Sách An Nam chí lược do Lê Tắc biên soạn trong thời gian sống lưu vong trên đất Nguyên, viết xong khoảng thời gian 1335-1339. Trong sách, mục Gia thế họ Lê, tác giả chép Lê Hoàn “người ái Châu”  (Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch, Nxb Lao động, Hà Nôi 2009, tr. 213).

 

Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) cũng chép Lê Đại Hành “người ái Châu” (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch Nxb Thanh niên, Hà Nội 2001, tr. 107).

 

Đại Việt sử ký tiền biên do Ngô Thì Sĩ biên soạn, con là Ngô Thì Nhậm trình lên Quốc sử quán thời Tây Sơn rồi được sửa định và khắc in xong năm 1800. Bộ sử này chép Lê Hoàn “người ái Châu”, nhưng lại thêm một ghi chú “Xét thấy Lê Đại Hành là người Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, chứ không phải người ái Châu. Sử cũ chép nhầm” (Đại Việt sử ký tiền biên, bản dịch Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr. 166). Đây là quan niệm mới của Ngô Thì Sĩ so với Việt sử tiêu án trước đó, nhưng cũng có thể do con ông là Ngô Thì Nhậm hay Quốc sử quán Tây Sơn hiệu chỉnh?

 

Sang thế kỷ XIX, thời nhà Nguyễn, trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú vẫn cho rằng Lê Hoàn “người ái Châu” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí, bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội 1960, T. 1, tr. 158).

 

Bộ địa chí lớn nhất là Đại Nam nhất thống chí biên soạn từ thời Tự Đức (1848-1883) và đến thời Duy Tân (1907-1916) được hoàn chỉnh và khắc in năm 1909. Có thể coi Đại Nam nhất thống chí là bộ sách lớn nhất và quan trọng nhất về địa chí Việt Nam dưới thời phong kiến. Trong Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Hà Nội (tỉnh Hà Nội lúc đó gồm cả Hà Nam), mục Lăng mộ chép “Mộ tổ của Lê Đại Hành ở bên miếu xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm” và dẫn lại ý kiến của Ngô Thì Sĩ trong Việt sử tiêu án “Lê Đại Hành người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm” và ghi chú “Bảo Thái tức Ninh Thái” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, T.3, tr. 195). Tiếp đến mục Đền miếu lại chép “Miếu Lê Đại Hành: ở xã Ninh Thái, huyện Thanh Liêm” và ghi thêm “xã ứng Thiên thuộc huyện này và xã Tả Thanh Oai thuộc huyện Thanh Oai cũng có miếu thờ” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, T. 3, tr. 196). Cũng Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Thanh Hóa, mục Đền miếu chép: “Miếu Lê Đại Hành hoàng đế: ở xã Trung Lập, huyện Thụy Nguyên, chỗ này là cơ chỉ cũ của tiên tổ nhà vua, có thuyết nói chỗ này là nhà cũ của Lê Đại Hành, sau nhân đấy lập miếu, nay vẫn còn bia đá”. Và chép tiếp một đoạn nhận xét: “Xét: Sử chép nhà vua người ái Châu, năm Lê Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), hàng huyện sai sửa lại đền, Thượng thư Nguyễn Thực nghĩ soạn văn bia, ví đất này như Chư - Phùng, chỗ sinh của vua Thuấn và Kỳ - Tân, chỗ sinh của Chu Văn Vương.  Ngô Thì Sĩ lại nhận rằng Lê Đại Hành người xã Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, không rõ họ Ngô căn cứ vào đâu?” (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Sđd, T. 2, tr. 251-552).

 

  • Lưu ý: Huyện Thọ Xuân vốn là đất của huyện Lôi Dương thuộc phủ Thọ Xuân và một phần huyện Lương Giang (sau đổi thành huyện Thụy Nguyên).

 

Cuốn sách “Các triều đại Việt Nam” do Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh niên, nêu ra địa danh cụ thể: Lê Hoàn sinh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

 

Cho đến cuối thế kỷ XVIII, chỉ có Đại Việt sử lược chép quê hương Lê Hoàn ở Trường Châu (Ninh Bình), Đại Việt sử lược cho rằng quê hương của Lê Hoàn ở Trường Châu, sinh ngày 15 tháng 7 năm năm đầu niên hiệu Thiên Phúc vua Cao Tổ nhà Hậu Tấn tức năm Bính Thân – 936. Nhưng cũng theo Đại Việt sử lược, vua Lê Đại Hành mất năm ất Tỵ - 1005, thọ 65 tuổi (tính theo tuổi ta, thêm 1 tuổi mụ) thì năm sinh phải là: 1005 - (65 - 1) = 941. Như vậy rõ ràng Lê Hoàn không thể sinh vào năm 936.  Còn các bộ sử khác đều thống nhất quê hương Lê Hoàn ở ái Châu tức Thanh Hóa, và đều chép đúng năm sinh của Lê Hoàn là năm Thiên Phúc thứ 6, tức năm Tân Sửu - 941. Từ cuối thế kỷ XVIII mới xuất hiện ý kiến cho rằng quê hương Lê Hoàn ở Bảo Thái, huyện Thanh Liêm (Hà Nam).

 

Ngày 06/09/2016, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học quốc gia “Lê Hoàn - Quê hương và sự nghiệp” với sự tham dự của GS.TS Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử của trung ương và các tỉnh, thành phố, đại biểu Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học cùng 1 số cơ quan nghiên cứu của TW. Về phía tỉnh Hà Nam, có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phạm Sỹ Lợi – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Đông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các huyện, TP của tỉnh…

Với vai trò là Chủ tọa Hội thảo “Lê Hoàn - Quê hương và sự nghiệp”, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã phát biểu tổng kết.

 

Qua hội thảo, có thể đi đến kết luận rõ ràng:

 

Trường Châu (Ninh Bình) là nơi ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc cùng vợ là Cao Thị Khương đã từng sinh sống và từ đó chuyển đến Bảo Thái lập nghiệp. Không rõ quê gốc của Lê Lộc ở đâu, nhưng ông chỉ sống ở Trường Châu trong một thời gian ngắn.

 

Bảo Thái (Hà Nam) là quê hương của Lê Lộc, ông nội của Lê Hoàn. Tại đây Lê Lộc sinh ra Lê Hiền là cha của Lê Hoàn.

 

Thanh Hóa (Ái Châu) là nơi Lê Hoàn sinh ra. Lê Hiền và vợ là Đặng Thị Khiết chuyển vào Trung Lập, huyện Thọ Xuân từ đây sinh ra Lê Hoàn, sau được viên Quán sát họ Lê nhận làm con nuôi. Đây là quê hương trực tiếp của Lê Hoàn.

 

Xem thêm:

Đài Truyền hình tỉnh Đồng Tháp thực hiện ký sự về xứ Thanh: Trên quê hương Hoàng đế Lê Hoàn. Tại đây

Báo Tuổi trẻ đưa tin: Đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tại đây

2. Danh sách 14 vị anh hùng dân tộc tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam xưa nay

Năm 2013, lần đầu tiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam xưa nay để tôn vinh Anh hùng dân tộc, danh sách gồm: Quốc tổ Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ (Quang Trung), Hồ Chí Minh.

 

Công văn Số: 2296/BVHTTDL-MTNATL ngày 21 tháng 6 năm 2013 Về việc Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương và danh nhân anh hùng dân tộc.

3. Các di tích xã Yên Phú - Yên Định

Các di tích ở xã Yên Phú hầu hết đã bị tàn phá trong chiến tranh, giờ chỉ còn lại là những tư liệu lịch sử và trong trí nhớ của các cụ cao tuổi hiện đang còn sống. Bên cạnh đó, thời điểm sau chiến tranh, nhiều nơi kiên quyết loại trừ di sản của thời đại cũ, để phát triển văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Nhiều nơi đẩy mạnh phong trào đập phá các đền, chùa, miếu, am thờ. Giờ xã mình chỉ còn di tích hai hàng voi đá, ngựa đá, quan văn và quan võ bằng đá là đang còn tồn tại. Về mặt địa lý, làng Bùi Hạ xã Yên Phú có thế rồng chầu, chạy theo mạch đất (thế đất ở xã Yên Phú lên xuống uốn lượn như dáng rồng). Qua biến thiên lịch sử của đất nước hơn một nghìn năm, với sự tác động và cải tạo, can thiệp của con người, giờ về thế đất có ít nhiều thay đổi.

4. Núi Hàm Rồng

Núi Hàm Rồng ở thành phố Thanh Hóa, chạy theo mạch núi, uốn lượn theo dòng sông Mã với 99 ngọn núi đá, vừa dài vừa uốn lượn uyển chuyển liên tiếp như hình rồng 9 khúc nhấp nhô tạo dáng hình con rồng. Khúc cuối cùng trong dãy núi ấy là núi Hàm Rồng, dưới núi miệng rồng như há ra ở sát mặt sông, hàm trên ở nơi cao, hàm dưới là dãy đá ăn ngầm dưới đáy sông, trông như Hàm Rồng đang hút nước sông Mã.

 

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cầu Hàm Rồng đã trở thành một điểm nóng về quân sự chiến lược. Đây là cầu đường sắt, đường bộ duy nhất đi qua sông Mã nối liền mạch giao thông từ miền Bắc vào miền Trung. Từ đây vũ khí, đạn dược…được vận chuyển cho các chiến trường Miền Nam.

 

Giới quân sự Mỹ đã từng xác định có 60 điểm tắc trên hệ thống giao thông ở bắc Việt Nam và điểm tắc điển hình chính là những cây cầu. Với vị trí trọng yếu, nằm trên vĩ tuyến 20, có hai bờ cao, nơi dòng sông sâu chảy xiết, là điểm tắc lý tưởng, cầu Hàm Rồng được Mỹ coi là “điểm nút số một” để cô lập con đường chi viện từ Bắc vào Nam.

 

Chính vì vậy Không lực Hoa Kỳ liên tục đánh phá cầu với cường độ rất cao và với các chiến thuật khác nhau. Với quyết tâm cắt đứt mạch máu giao thông quan trọng này của ta, bộ quốc phòng Mỹ đã trực tiếp chỉ đạo phương án đánh phá Hàm Rồng. Chúng đã huy động 121 lần tốp với 2.924 lần chiếc máy bay đánh phá 1.096 trận, ném 71.600 tấn bom phá với 11.526 quả, 99 bom nổ chậm, bắn 600 tên lửa, 2.840 quả rốckét, 2.178 quả đạn pháo kích, hàng trăm bom bi và thủy lôi. Tính bình quân mỗi người dân ở đây phải chịu đựng 5 tấn bom đạn của địch…

 

Núi Hàm Rồng địa thế nằm ở ngay chân cầu Hàm Rồng. Cũng chính vì vậy mà núi Hàm Rồng không còn đẹp như khi đang còn nguyên sơ, vì bom đạn trong chiến tranh. Giờ vẻ đẹp của núi Hàm Rồng chỉ còn lại trong các tư liệu lịch sử.

 

Phim tài liệu về Hàm Rồng Thanh Hoá, trên kênh truyền hình tỉnh Thanh Hoá. Tại đây

5. Nhân duyên với làng Bùi Hạ

Như một nhân duyên với vùng đất này, ông nội mình quê ở xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, là bộ đội tham gia cách mạng giải phóng dân tộc. Đóng quân ở làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình bà nội khi đó che chở và đùm bọc cán bộ cách mạng. Trong quá trình chiến đấu ông bị thương (thương binh loại A), được bà tận tình chăm sóc, cùng với thời gian ông bà có tình cảm và kết hôn với nhau. Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, lớn lên các bác mình cùng ông nội, tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau khi kháng chiến thành công, ông quyết định ở lại làng Bùi Hạ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sinh sống và định cư.

 

Từ mối nhân duyên ấy, nên sau này mình được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này.

Đất nước được hòa bình và độc lập, để ghi nhận công lao của gia đình có công với cách mạng. Ngày 25/01/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Lợi, đã ký ban hành Quyết định số 234/QĐ-UBND về việc tặng Bằng khen cho gia đình ông Bùi Đức Thắng (ông nội mình) vì đã có thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
CÁC TIN TỨC KHÁC:
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM (18/11)
Giới thiệu Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Kinh tế Nông nghiệp Việt Nam (18/11)
Lãnh đạo Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam dự chương trình giao lưu chuyên môn chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (17/11)
Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Viêt Nam Bùi Văn Dũng gặp mặt kỷ niệm truyền thống Bộ đội Trường Sơn (17/06)
Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam tổ chức chương trình Quốc tế thiếu nhi 1/6 (01/06)
Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Viêt Nam Bùi Văn Dũng đi thăm, chúc Tết và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (05/02)
Lãnh đạo Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam thăm và chúc mừng Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (19/11)
Kỷ niệm 19 năm thành lập Hội Trí thức Khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam (14/08)
Yên Định là huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và là huyện đầu tiên của khu vực Bắc Trung Bộ đạt chuẩn nông thôn mới (08/05)
Nên liều hay nên quyết đoán trong mọi hành động (23/04)
Quyết định của Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ về việc chấp nhận đơn hợp lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Kinh tế Nông nghiệp Việt Nam (16/02)
Ngày thương binh liệt sĩ và truyền thống cách mạng của gia đình (15/02)
Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam Bùi Văn Dũng dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2015
Đang online:
10
Tổng truy cập:
4.203.003