Mặc dù đạt được thành tựu nổi bật trong thời gian qua (như tăng trưởng về diện tích, quy mô, sản lượng, chủng loại các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí nhiều nông sản được xuất khẩu sang thị trường các nước với kim ngạch và thị phần lớn) nhưng về căn bản, cơ cấu nông nghiệp chưa có thay đổi về chất, chủ yếu chúng ta vẫn xuất nông sản dưới dạng thô hoặc sơ chế, hàm lượng dinh dưỡng thấp, giá trị hàng hoá so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường bị thua thiệt.
Ở đây, ngoài lý do thương hiệu và kênh phân phối, tiếp thị yếu kém thì có vấn đề trong khâu chọn lọc giống, chủng loại và cải tiến chất lượng, đầu tư cơ giới hoá sản xuất, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Kết quả là giá trị nông sản hàng hoá trên một đơn vị diện tích (ha gieo trồng) cũng như năng suất của lao động nông nghiệp nước ta rất thấp.
Do đó, tất yếu phải chuyển dịch cơ cấu theo hướng xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, giá trị cao. Để làm điều đó, cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và khuyến khích chuyển giao, sử dụng các kết quả khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ cao và công nghệ sinh học.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp không nên hiểu chỉ là áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, tự động hoá…vào chăn nuôi, trồng trọt; hơn thế, còn là thay đổi bản thân quy trình và công nghệ, quy luật sinh học, tạo ra các giống cây con ngắn ngày, cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu thời tiết khắc nghiệt và kháng bệnh. Như vậy, một nền nông nghiệp công nghệ cao cũng đồng nghĩa với giá trị cao, bảo đảm sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.