Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý
Trong những năm gần đây, Quốc Hội đã ban hành nhiều văn bản luật điều chỉnh về cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12, Luật Viên chức số 58/2010/QH12. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác quản lý cán bộ, công chức. Các cấp các ngành đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc; đội ngũ cán bộ quản lý các cấp đã có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt. Thành tựu gần 30 năm đổi mới là thành quả của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý vẫn còn những tồn tại cần phải quan tâm và sớm được khắc phục. Việc tổ chức thực hiện quy chế, chấp hành các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tự phê bình và phê bình có nơi còn mang nặng tính hình thức. Nhằm khắc phục một số tồn tại, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ quản lý tôi xin được đề xuất một số giải pháp:
Đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới được giao. Tiếp tục phát hiện, lựa chọn những cán bộ trẻ có trình độ năng lực, tâm huyết với ngành nghề để đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tinh thông về lĩnh vực quản lý nhà nước. Ngoài ra, quan tâm đào tạo rèn luyện và cập nhật kiến thức kỹ năng quản lý, kỹ năng nghiệp vụ hành chính, kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, phương pháp làm việc; đào tạo theo chức danh lãnh đạo quản lý.
Đánh giá, sử dụng cán bộ làm công tác quản lý thực sự khách quan, khoa học và công tâm, lấy mức độ hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá năng lực cán bộ. Cải tiến công tác đánh giá cán bộ quản lý thông qua chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng cơ chế đề cao và khuyến khích cán bộ tự học; trao quyền và trách nhiệm cho cán bộ, công chức trong việc lựa chọn chương trình, địa điểm và thời gian tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng để không ngừng nâng cao năng lực công tác.
Tổ chức biên soạn lại các chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ đảm bảo không trùng lặp, có kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn, nội dung kiến thức tiêu chuẩn với kỹ năng, kinh nghiệm theo yêu cầu vị trí công tác. Thực hiện quy trình tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách khoa học, đồng bộ từ xác định nhu cầu đến biên soạn chương trình, tài liệu, xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, chỉnh sửa, bổ sung chương trình, tài liệu. Xây dựng cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị tham gia đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý.
Nghiên cứu, tổ chức một cách khoa học, hợp lý hệ thống các cơ sở đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ cơ sở đào tạo cán bộ. Tăng cường tài chính công cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý. Nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo, giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trên cả hai mặt về trình độ đào tạo và năng lực quản lý. Chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, chỉnh lý giáo trình cho phù hợp với hoạt động quản lý trong nền kinh tế thị trường, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý.