Theo cách hiểu chung nhất quản lý nhà nước là thực hiện quyền hành pháp để điều hành các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo tinh thần của pháp quyền, hành pháp hướng hoạt động của mình đến các việc đảm bảo các quyền tự do cá nhân, đến chức năng phục vụ và đảm bảo an ninh trên mọi lĩnh vực. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước với thị trường. Theo đó hàng loạt công việc dài hạn và những công việc trước mắt trong lĩnh vực điều hành đều phải thông qua hoạt động quản lý nhà nước.
Hệ thống chính trị ở Việt Nam bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. Hệ thống chính trị ở địa phương có vai trò quan trọng trong tổ chức và vận động nhân dân hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trong tiến trình xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã phải là những người thật sự tiêu biểu, hội tụ đầy đủ kiến thức và kỷ năng về lãnh đạo quản lý như: tổ chức điều hành hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền ở các đơn vị; xây dựng và giải quyết các mối quan hệ công tác trong hệ thống chính trị; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở; có lập trường và tư tưởng chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ học vấn, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh các ưu điểm, từ thực tế lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng cho thấy năng lực công tác của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế, thể hiện: trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, năng lực điều hành, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn còn thấp nên khó khăn, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:
Tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ địa phương. Đây là khâu mở đầu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ, vì vậy công tác tư tưởng cần được quan tâm hàng đầu. Để thực hiện tốt công tác tư tưởng, đòi hỏi trước hết các địa phương cần tập trung quán triệt trong đội ngũ cán bộ chủ chốt để cho đội ngũ cán bộ quản lý thật sự thấm nhuần chủ trương đường lối của Đảng, biến chủ trương của trên thành ý chí quyết tâm của từng cán bộ địa phương. Cán bộ quản lý sẽ là hạt nhân để tuyên truyền, vận động biến chủ trương của Đảng thành ý thức của toàn thể cán bộ, đảng viên, và người dân trong địa bàn địa phương quản lý.
Rà soát lại trình độ, năng lực của đội ngũ lãnh đạo địa phương theo các yêu cầu sau: Trình độ văn hóa và trình độ lý luận chính trị; trình độ chuyên môn nghiệp vụ; số cán bộ đã được đào tạo cơ bản và đào tạo không cơ bản; số có trình độ, năng lực còn có thể đào tạo và số không còn khả năng đào tạo. Đánh giá, phân loại khả năng giải quyết công việc thực tế của họ; để từ đó có những đề xuất, biện pháp bồi dưỡng lại, bố trí sắp xếp công việc hợp lý. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý cho những đối tượng này để họ có thể nắm chắc, vận dụng thành thạo các thao tác nghiệp vụ để giúp họ chỉ đạo tốt ở đơn vị mình.
Thực hiện đúng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau quy hoạch. Mỗi một nhiệm kỳ, địa phương cần thực hiện quy hoạch danh sách cán bộ nguồn các cấp; kèm theo quy hoạch là kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch. Đào tạo, bồi dưỡng ở đây là bồi dưỡng thêm những kiến thức còn thiếu so với tiêu chuẩn chức danh theo quy định. Trước hết là bồi dưỡng về lý luận chính trị, đối với cán bộ quy hoạch chức danh lãnh đạo thì phải bồi dưỡng chương trình cao cấp lý luận chính trị. Tiếp theo là đào tạo bồi dưỡng thêm về chuyên môn nghiệp vụ, chương trình này chủ yếu là vừa làm vừa học. Một nội dung nữa cần bồi dưỡng, đó là kiến thức về ngoại ngữ và tin học; nội dung này buộc từng cá nhân phải tự học, tự trau dồi để biến thành kỹ năng nhằm phục vụ công việc chuyên môn.
Công tác điều động cán bộ cần phải xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sự cân đối, đồng đều theo yêu cầu công việc của địa phương. Điều động cán bộ bao gồm điều động lên, điều động xuống, điều động ngang. Công tác luân chuyển cán bộ cần xác định rõ tiêu chuẩn cán bộ luân chuyển (chỉ thực hiện luân chuyển đối với cán bộ trẻ, trong quy hoạch, có triển vọng phát triển). Đặc biệt, phải căn cứ vào năng lực, sở trường của cán bộ và đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị để luân chuyển và bố trí công việc phù hợp với cán bộ luân chuyển. Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, từng bước đưa công tác luân chuyển cán bộ vào nền nếp, có chất lượng và hiệu quả cao.
Đồng thời quan tâm tới thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ địa phương. Chế độ, chính sách được đảm bảo là một động lực quan trọng giúp cho cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với địa phương hơn. Hệ thống chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ bao gồm: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; chính sách sử dụng và quản lý cán bộ; chính sách bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần đối với cán bộ địa phương. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản trên sẽ là cơ sở, điều kiện giúp cho hoạt động quản lý nhà nước có hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.