Để tăng giá trị xuất khẩu nông sản cho Việt Nam cần quan tâm tới tăng chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa
Trong thời buổi cạnh tranh ngày càng gay gắt, người ta càng thấy vai trò của việc phát triển thị trường càng trở nên bức thiết. Nông dân có thể trồng hầu hết mọi nông sản nhưng không thể tiêu thụ hết các sản phẩm vì không có thị trường. Một nông dân cá thể chỉ có thể sản xuất theo kiểu tự cấp thì được, nhưng muốn sản xuất hàng hoá thì phải kết hợp nhau lại để có thể sản xuất khối lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đúng thời điểm, và giá phải cạnh tranh.
Đối với các mặt hàng nông sản sử dụng làm lương thực và thực phẩm, xu thế chung trong cải tiến công nghệ và tổ chức sản xuất của các nước phát triển là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Chiến lược tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ cần phải được hoạch định và thực thi theo xu thế tiến bộ này. Bởi lẽ, việc tăng cường sản xuất sản phẩm chất lượng cao không chỉ đồng nghĩa với nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, chế biến và xuất khẩu, mà còn giúp cắt giảm các đầu tư hoá chất, góp phần cải thiện môi trường và giảm thiểu những phí tổn sức khoẻ cho chính người sản xuất và tiêu dùng.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam có những thời điểm bị sụt giảm mạnh. Nguyên nhân không phải do thị trường thu hẹp mà đáng tiếc hơn là do một số lô nông sản xuất khẩu đã bị đối tác từ chối, trả lại do không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn. Đây chính là hậu quả của việc thiếu kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp. Giải pháp duy nhất để tăng giá trị xuất khẩu nông sản cho Việt Nam là đổi mới công nghệ sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm, từ đó giúp nông sản Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào thị trường các nước phát triển.