Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, xã hội, bao gồm truy cập vào kho tri thức toàn cầu đồng thời làm chủ và sáng tạo tri thức mới cần thiết cho riêng mình.
Bước sang thế kỷ XXI, tri thức sẽ trở thành yếu tố có sức sống nhất, quan trọng nhất trong các yếu tố sản xuất, là hạt nhân kết nối, tổ chức lại và thúc đẩy đổi mới các yếu tố sản xuất khác. Nhận thức được tiền đồ sáng lạn của kinh tế tri thức, rất nhiều nước đã và đang nghiên cứu các biện pháp thích ứng, tranh thủ giành địa vị chủ đạo trong cạnh tranh quốc tế ở thời đại kinh tế tri thức. Các hướng chủ yếu để đón thời cơ do thời đại kinh tế tri thức đưa đến mà nhiều nước đang tiến hành, chúng ta cần kịp thời nắm bắt là:
Mở rộng đầu tư cho nguồn vốn nhân lực: yếu tố cốt lõi của kinh tế tri thức là tri thức, vật mang chở tri thức là con người mà tố chất của con người lại gắn liền với chất lượng giáo dục. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, muốn giáo dục phát triển, kịp thời đón bắt được các yêu cầu tăng nhanh của cuộc sống, bên cạnh đầu tư của Chính phủ, phải có chính sách động viên được mọi lực lượng xã hội, cá nhân, xí nghiệp vào công cuộc giáo dục. Khi nhận biết được bản chất của kinh tế tri thức là loại “kinh tế đầu óc”, “kinh tế học tập”, chúng ta sẽ thấy ngay tính cấp bách của việc đẩy mạnh giáo dục, làm sao cho các trường học của chúng ta không chỉ là những cái nôi của nhân tài, là nguồn sáng tạo ra tri thức, mà còn là nguồn tăng trưởng kinh tế. Chỉ có như vậy mới đón bắt được thời cơ do kinh tế tri thức mang lại.
Các công ty, xí nghiệp phải trở thành chủ thể đầu tư nghiên cứu khoa học: có thể nói, nếu coi giáo dục là cái nền của kinh tế tri thức, thì khoa học công nghệ là mũi chủ công của kinh tế tri thức. Cũng vì vậy mà đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ được coi như một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ kinh tế tri thức. Chính phủ chỉ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ cao mới ở một số lĩnh vực và nghiên cứu khoa học có tính công ích, còn nghiên cứu ứng dụng, hàng hoá các sản phẩm nghiên cứu phải chuyển sang các công ty, xí nghiệp. Khi họ vừa là người được hưởng lợi, vừa là người gánh chịu rủi ro thì sự chuyển hoá các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất mới kết hợp được với nhau.
Chính sách kích thích mạnh tính tích cực sáng tạo của con người: một khác biệt nổi bật giữa tri thức với các nguồn vốn khác là nó chịu sự khống chế hoàn toàn của người có nó, người khác không thể làm cho nó chuyển dời hoặc xuất ra ngoài một cách tuỳ tiện. Do vậy cần phải có chế độ sở hữu tài sản tri thức phù hợp, đảm bảo nguyên tắc lợi ích cùng hưởng, rủi ro cùng chịu để gắn bó chặt chẽ các nhân tài vào tiến độ phát triển của đơn vị.
Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta là một chuyển biến chiến lược trọng đại: chuyển nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang dựa chủ yếu vào tri thức và năng lực sáng tạo của con người. Với những nguồn lực sẵn có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để làm ra được nhiều hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn. Tài nguyên thiên nhiên là có hạn, năng lực sáng tạo con người là vô hạn.
Nước ta là nước đi sau, có cơ hội và cần thiết phải đi tắt, phát triển kinh tế tri thức ngay trong quá trình công nghiệp hóa. Cùng một quá trình thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ công nghiệp hóa và “tri thức hóa”. Nói cách khác đó là công nghiệp hóa rút ngắn dựa trên tri thức. Xuất phát từ thực tế nước ta, yêu cầu hội nhập và yêu cầu phát triển rút ngắn thì nước ta phải có chiến lược hai tốc độ (tuần tự và nhảy vọt) và phân biệt hai khu vực “hướng ngoại” và “hướng nội”, với sự tính toán lựa chọn khôn ngoan, sử dụng tối ưu nội lực và ngoại lực, lao động, cơ sở vật chất và công nghệ mới, đạt tới hiệu quả cao với sự phát triển nhanh và bền vững.