Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bước vào giai đoạn chuyển tiếp để cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá vào năm 2020, giáo dục đào tạo vẫn đang là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách. Mặc dù đã có những bước tiến nhất định trong phát triển giáo dục đào tạo trong thời gian qua song so với yêu cầu phát triển, cho đến nay, kết quả giáo dục cũng như việc nâng cao tỷ trọng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tất cả những biểu hiện trên đòi hỏi cần có những nghiên cứu có qui mô để tìm ra những giải pháp củng cố các thành tựu đã đạt được và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo, đáp ứng nhu cầu đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp trong thời gian tới.
Từ thực tế đó, tôi xin chia sẻ một vài ý kiến như sau:
Phát triển giáo dục phổ thông. Cần đổi mới đào tạo chương trình và phương pháp dạy học, nhằm chuẩn bị cho thế hệ trẻ sự tự tin, sáng tạo bước vào xã hội tương lai trên cơ sở trình độ học vấn phổ thông cơ bản toàn diện, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, có sức khỏe, ý thức bản thân, có tinh thần trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đồng thời thực hiện phân hóa dạy học tích cực gắn với hướng nghiệp và định nghiệp cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra cần phải tăng cường đầu tư cho giáo dục và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trong giáo dục; phải xây dựng đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu về số lượng và chất lượng, có cơ cấu hợp lý; thực hiện công tác phổ cập giáo dục.
Phát triển giáo dục đại học. Trước hết phải chuẩn hóa chương trình và giáo trình. Chương trình và giáo trình phải được xây dựng theo định hướng mà ngành giáo dục đại học hướng tới là đào tạo để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội. Cần phải chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và sinh viên, chuẩn hóa cơ sở vật chất của các trường đại học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý giáo dục và hợp tác quốc tế.
Phát triển hệ thống đào tạo nghề. Cần phải chuẩn hóa chương trình đào tạo nghề. Đào tạo nghề gắn với yêu cầu phát triển của từng địa phương, thực hiện sự liên kết giữa các địa phương. Tăng cường sự đầu tư của chính quyền cho công tác đào tạo nghề, coi đầu tư này là đầu tư phát triển đồng thời thúc đẩy quá trình xã hội hóa đào tạo nghề. Thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề. Trước mắt cần thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cho thanh niên.
Tóm lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với nỗ lực to lớn của toàn dân tộc, nước ta đã phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là những năm gần đây ngành giáo dục đã xây dựng được mô hình trường học thân thiện và đổi mới được nhiều phương pháp quản lý giáo dục, xong để vấn đề trên được hoàn thiện và có kết quả thực sự bền vững chúng ta cần có sự chỉ đạo kiên quyết của các cấp Uỷ, Đảng và chính quyền các cấp đồng thời có sự chỉ đạo chặt chẽ của các Đoàn thể và sự quan tâm của toàn xã hội. Có được như vậy nền giáo dục của Việt Nam mới phát triển và hội nhập với nền giáo dục thế giới.