Ở nước ta, cùng với những thành tựu đạt được từ quá trình đổi mới toàn diện đất nước, hệ thống dịch vụ xã hội cũng từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả của dịch vụ xã hội ở nước ta trên nhiều lĩnh vực còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như yêu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại vai trò của Nhà nước đối với dịch vụ xã hội, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ xã hội ở nước ta. Vai trò này được thể hiện ở chỗ, để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong việc cung ứng cũng như hưởng thụ các dịch vụ xã hội cho người dân. Theo tôi, Nhà nước cần can thiệp vào việc cung ứng các dịch vụ này bằng nhiều hình thức khác nhau:
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản một cách đồng bộ, đồng thời quyết liệt đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, bổ sung, sửa đổi, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện có trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách hiện hành, xem xét điều kiện kinh tế - xã hội và tham khảo kinh nghiệm của các nước. Cần bảo đảm tính đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm để mọi người dân đều có quyền hưởng. Tạo cơ chế để thực thi nghiêm chỉnh và có hiệu quả các chế độ, chính sách.
Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh triển khai các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền để người nghèo nâng cao nhận thức về hoàn cảnh và có quyết tâm thoát nghèo. Thường xuyên xây dựng, triển khai thực hiện các dự án và các chương trình hành động về công tác xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp có chính sách dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho người nghèo. Có cơ chế, biện pháp kiểm tra, giám sát bảo đảm mọi nguồn lực dành cho xóa đói, giảm nghèo được sử dụng đúng mục đích.
Tăng cường đầu tư, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động sự tham gia của toàn xã hội để thực hiện an sinh xã hội: Tăng cường đầu tư của Nhà nước bảo đảm nguồn lực và cơ chế tài chính thực hiện. Hình thành các quỹ dự phòng và cơ chế hỗ trợ kịp thời cho nhân dân khi có rủi ro đột xuất. Khuyến khích phát triển đa dạng, các mô hình an sinh xã hội, các hoạt động từ thiện, tình nguyện dựa vào cộng đồng, hỗ trợ phát triển các nhóm cộng đồng… Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào việc cung cấp các dịch vụ công cộng; vận động toàn xã hội tham gia các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”, các hoạt động nhân đạo như: ngày vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa… Khuyến khích sự ủng hộ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền, đặc biệt là của hệ thống chính trị cấp cơ sở đối với phát triển các dịch vụ xã hội. Hệ thống hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, đề ra các quan điểm, chủ trương mới phù hợp với tình hình hiện nay. Như vậy, Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng đối với dịch vụ xã hội, đảm bảo về chất lượng, hiệu quả và sự công bằng trong cung ứng cũng như hưởng thụ các dịch vụ xã hội của người dân. Vai trò này được thể hiện thông qua sự can thiệp của Nhà nước đối với các dịch vụ xã hội bằng các hình thức khác nhau như trực tiếp cung ứng một số loại dịch vụ xã hội thiết yếu cho xã hội mà tư nhân không muốn hoặc không có đủ khả năng để cung ứng, và gián tiếp can thiệp vào các dịch vụ xã hội thông qua hoạt động quản lý Nhà nước đối với dịch vụ xã hội.