Loading...
Cần quan tâm hơn nữa tới chất lượng giáo dục của các tỉnh miền núi
10/05/2016 - 1693 lượt xem

Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Thông báo Kết luận số 242-KL/TW của Bộ Chính trị. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo miền núi, giáo dục miền núi đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Quy mô mạng lưới trường, lớp được ổn định và phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân; huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo, học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi đạt tỷ lệ cao; hoàn thành phổ cập giáo dục TH và phổ cập giáo dục THCS; thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ chính sách đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; cơ sở vật chất trường, lớp học được đầu tư xây dựng, thiết bị giáo dục được tăng cường. Nhiều dự án và các chương trình mục tiêu quốc gia được ưu tiên đầu tư xây dựng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được giáo dục miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và thách thức trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là:

 

Chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học còn thấp, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, phổ cập giáo dục THCS chưa thật sự vững chắc ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc trung học còn cao, đặc biệt là học sinh các trường THPT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Công tác hướng nghiệp, thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, THPT thực hiện chưa đạt hiệu quả, còn hạn chế và bất cập; tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề còn thấp. Việc huy động học sinh ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi còn gặp nhiều khó khăn. Điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT của các trường THCS còn chênh lệch xa với vùng đồng bằng, thị xã, thành phố; Tỷ lệ phòng học kiên cố ở nhiều huyện còn thấp; nhiều trường học còn thiếu nhà hiệu bộ, phòng học bộ môn, thiết bị dạy học, số trường chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ thấp...

 

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế và tồn tại đối với giáo dục miền núi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, theo tôi các tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:

 

Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất theo hướng kiên cố hoá, mua sắm, cung cấp đủ trang thiết bị đáp ứng cho nhu cầu dạy và học, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh phát huy hết khả năng giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo trong nhà trường. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chính sách tín dụng sinh viên, hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người dân tộc ở những vùng khó khăn; chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lí và giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, tăng dần tỷ lệ giáo viên người dân tộc, người địa phương; Thực hiện tốt các chế độ chính sách cho giáo viên, người học vùng dân tộc, miền núi; Có chính sách thỏa đáng thu hút nhà giáo đến làm việc ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; Chỉ đạo việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc; Bảo đảm đủ nhà công vụ cho nhà giáo.

 

Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 40 của Quốc hội về đổi mới giáo dục phổ thông, Chỉ thị 40/CT-TW của Ban bí thư về việc Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT ngày 04/12/2009 của Bộ GD&ĐT về việc Ban hành qui định kiểm tra, công nhận Phổ cập giáo dục tiểu học, Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Chính quyền địa phương, các đoàn thể cần có việc làm cụ thể, thiết thực tác động mạnh đến cha mẹ trẻ trong việc đưa trẻ em trong độ tuổi ra lớp, đi học đều, không bỏ học giữa chừng.

 

Đối với những trường ở vùng sâu, vùng xa, khi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn, đặc biệt là khả năng tiếp thu của học sinh còn nhiều hạn chế, đòi hỏi những giáo viên ở đây cũng phải có những giải pháp đặc thù. Muốn nâng cao được chất lượng giáo dục ở những trường này, trước hết thầy cô giáo phải khơi gợi được niềm đam mê, hứng thú học tập cho các em. Không tạo áp lực bài vở cho học sinh, không học nhồi nhét mà kết hợp kiểm tra kiến thức với các hoạt động ngoại khóa, đố vui học tập; đưa ra các danh hiệu thi đua để học sinh phấn đấu; biểu dương, khen thưởng học sinh hàng tuần, hàng tháng…

 

Các trường tiểu học phải làm tốt công tác tuyển sinh đúng độ tuổi, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục để hạn chế học sinh bỏ học, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở lớp 1 bằng hình thức: tăng thời lượng tiết học, tổ chức nhiều lớp học 2 buổi/ngày (các lớp có học sinh dân tộc và các trường có tỉ lệ trên 1,2 GV/lớp), xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu- kém, bồi dưỡng học sinh khá- giỏi. Huy động 100% số trẻ 4-5 tuổi ra học các lớp Mẫu giáo để tạo nền cho học sinh vào học lớp 1.

 

Tập trung chỉ đạo việc nâng cao chất lượng dạy và học thông qua việc thực hiện tốt nội dung, chương trình, đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác của học sinh trong học tập. Thực hiện việc kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững vàng về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng công tác thanh, kiểm tra trường học, tạo điều kiện giúp đỡ giáo viên thực hiện nghiêm túc qui chế chuyên môn, nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội khuyến học và các hội , đoàn thể có liên quan đến từng gia đình có học sinh bỏ học để vận động các em ra lớp. Thường xuyên chỉ đạo đến các cơ sở trường học tiến hành rà soát số học sinh bỏ học, xác định rõ nguyên nhân bỏ học trong thời gian qua, đề ra giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học trong thời gian tới. Triển khai cuộc vận động “ Giúp bạn đến trường” do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động nhằm quyên góp áo ấm, sách, vở để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho các em đến trường.

 

Triển khai cuộc vận động xây dựng mô hình “Trường học thân thiện” nhằm tạo ra một môi trường giáo dục đảm bảo về tinh thần và vật chất để cho học sinh phấn khởi, hứng thú khi đến trường học tập, trong đó có việc tổ chức hoạt động vui chơi tích cực, phù hợp với lứa tuổi học sinh và tổ chức các hoạt động gắn với cuộc sống văn hoá tinh thần ở địa phương. Bên cạnh nguồn lực đảm bảo của Trung ương, các địa phương cũng cần dành một nguồn kinh phí phù hợp, huy động nguồn lực xã hội, thúc đẩy việc nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo điều kiện tốt cho phát triển giáo dục miền núi.

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
CÁC TIN TỨC KHÁC:
Hoạt động công tác của đồng chí Bùi Văn Dũng (18/11)
Phát triển kinh tế miền núi bền vững và hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (10/05)
Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn (10/05)
Cần tạo sự đồng thuận trong luân chuyển cán bộ về cơ sở (10/05)
Để làm tốt công tác cải cách hành chính cần xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá (10/05)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý (10/05)
Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ (10/05)
Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (10/05)
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới (10/05)
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ địa phương (10/05)
Lựa chọn cán bộ đưa vào diện quy hoạch (10/05)
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh (10/05)
Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam Bùi Văn Dũng dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2015
Đang online:
23
Tổng truy cập:
4.201.457