Loading...
Để làm tốt công tác cải cách hành chính cần xây dựng nhiều giải pháp mang tính đột phá
10/05/2016 - 2785 lượt xem

Cải cách thủ tục hành chính là một công việc thuộc nội dung cải cách thể chế hành chính, trong khi đó, cải cách thể chế hành chính là một trong bốn nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính lại được đặt ra trước cải cách hành chính, được xem như là khâu đột phá của cải cách hành chính, và trong tiến trình cải cách hành chính, vấn đề thủ tục hành chính thường xuyên được Chính phủ quan tâm. Đó là vì thủ tục hành chính hàng ngày liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, cấp chính quyền, cũng như đến các tổ chức và cá nhân công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của mọi công dân đã được quy định ở Hiến pháp hay ở các bộ luật, cũng như các yêu cầu, nguyện vọng của họ có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào đều phải thông qua thủ tục hành chính do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết.

 

Trong những năm qua, việc cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ triển khai mạnh mẽ trên các lĩnh vực, thu được nhiều kết quả tích cực. Công tác tổ chức thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” đã giúp xử lý, giải quyết công việc nhanh, giảm bớt một số thủ tục rườm rà; thủ tục, quy trình, thời gian giải quyết được công khai, rõ ràng, tránh được những phiền hà đối với tổ chức và công dân, đem lại nhiều kết quả thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt công tác cải cách thủ tục hành chính.

 

Tuy nhiên, với một khối lượng công việc rất lớn và phức tạp, nên trong quá trình thực hiện cũng đã xuất hiện một số mặt hạn chế, nhất là trong quan hệ phối hợp công tác, một số quy định về trình tự thủ tục giải quyết công việc chưa hợp lý, chưa sát với tình hình thực tế. Một số hồ sơ chưa giải quyết đúng hạn hoặc không thực hiện đúng quy trình, thời hạn giải quyết công việc. Trách nhiệm của một số chuyên viên có lúc chưa cao. Bên cạnh đó, hồ sơ từ các ngành trình lên còn sai sót, phải trả đi trả lại nhiều lần, nên kết quả giải quyết hồ sơ còn có lúc bị động, không đúng thời gian quy định. Chưa có chế tài thật sự có hiệu quả đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, cửa quyền, sách nhiễu, chậm trễ giải quyết công việc,…

 

Để tiếp tục thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, theo tôi các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Nhất quán, kiên trì và liên tục về nhận thức, quan điểm và hành động xuất phát từ công tác cải cách hành chính là công việc nhạy cảm, khó khăn, liên quan đến nhiều ngành và nhiều lĩnh vực. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác cải cách hành chính; công tác chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến chính quyền cơ sở đóng vai trò quyết định đến sự thành công của công cuộc cải cách hành chính.

 

Tiếp tục triển khai và thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính nhằm góp phần nâng cao chất lượng của các quy định thủ tục hành chính, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chất lượng trên tinh thần cải cách hành chính. Đồng thời tăng cường sự đổi mới việc thực hiện cơ chế lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức. Triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ, ngành và tỉnh để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về cải cách hành chính; phát huy vai trò tích cực của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc thúc đẩy các nhiệm vụ cải cách hành chính.

 

Tiến hành rà soát, ban hành lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn nhằm xóa bỏ những chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác cải cách hành chính thông qua việc tập huấn, tìm hiểu kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống hành chính,… Đặc biệt, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đều nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ cũng như văn hóa ứng xử trong giao tiếp. Ban hành chế tài xử phạt để ngăn chặn những hành vi tiêu cực. Mỗi cá nhân cần chủ động đấu tranh với các hành vi tiêu cực ấy nhằm làm trong sạch bộ máy hành chính, góp phần cho cải cách hành chính được thông suốt.

 

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và nêu gương điển hình đối với các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ được giao: Hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra công tác cải cách hành chính, tiến hành kiểm tra đột xuất về cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương, bao gồm kiểm tra trách nhiệm tại các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức trong việc chấp hành chính sách, pháp luật và các quy định liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, kiểm tra Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, thực hiện quy định về trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính và việc thực hiện các quy định về nghĩa vụ, những việc không được làm, quy tắc ứng xử, văn hoá công sở của cán bộ, công chức.

 

Tổ chức thực hiện việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”; tập trung thực hiện quy định phân cấp một số lĩnh vực đối với các cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện tốt việc xác định vị trí việc làm, cải cách chế độ công vụ, công chức, đánh giá kết quả làm việc của công chức; thực hiện Dự án phần mềm dùng chung cho Bộ phận một cửa liên thông hiện đại ở tất cả các huyện, thành, thị, một số sở, ngành và UBND cấp xã…

 

Cắt giảm những khâu trung gian không cần thiết, nâng cao trách nhiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ tham mưu nhằm rút ngắn thời gian soạn thảo, ban hành nhưng chất lượng các văn bản vẫn đảm bảo; Rà soát lại các công việc đã phân cấp cho các cấp; việc thực hiện phân cấp tiếp tục khẩn trương, chặt chẻ, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, thu thuế, chứng thực, xác nhận... thủ tục hành chính xây dựng phải linh hoạt nhằm đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Như chúng ta đã biết, thủ tục hành chính tuy là những quy định hướng dẫn mang tính chất pháp lý, bắt buộc để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cả cơ quan, đơn vị của Nhà nước với tổ chức, cá nhân, nhưng trên đời sống thực tế có nhiều tình huống phát sinh ngoài ý muốn.

 

Khảo sát điều tra ý kiến công dân về dịch vụ hành chính công, ghi nhận tầm quan trọng của sự tham gia của người dân vào các vấn đề chung của địa phương và là cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua tìm hiểu, đánh giá kết quả hiện tại của các dịch vụ công và nguyện vọng của người dân. Ý kiến của người dân về dịch vụ công thông qua các cuộc điều tra được chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan đòi hỏi lãnh đạo các cấp, các ngành có biện pháp đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và những giải pháp cụ thể, thiết thực nói trên, tin rằng công tác cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng sẽ có những bước tiến thay đổi đáng kể trong những năm tiếp theo.

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
CÁC TIN TỨC KHÁC:
Hoạt động công tác của đồng chí Bùi Văn Dũng (18/11)
Phát triển kinh tế miền núi bền vững và hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp (10/05)
Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn (10/05)
Cần tạo sự đồng thuận trong luân chuyển cán bộ về cơ sở (10/05)
Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý (10/05)
Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ (10/05)
Công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (10/05)
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã trong thời gian tới (10/05)
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ địa phương (10/05)
Lựa chọn cán bộ đưa vào diện quy hoạch (10/05)
Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh (10/05)
Cần quan tâm hơn nữa tới chất lượng giáo dục của các tỉnh miền núi (10/05)
Phó Chủ tịch Liên hiệp Trí tuệ Việt Nam Bùi Văn Dũng dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2015
Đang online:
2
Tổng truy cập:
4.201.639