Phát triển kinh tế miền núi bền vững và hiệu quả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Miền núi Việt Nam chiếm 2/3 diện tích đất đai trong cả nước, là nơi cư trú của hơn 50 tộc người, cũng là nơi tập trung nhiều tài nguyên sinh học, khoáng sản và năng lượng có giá trị. Miền núi có vai trò quan trọng trong an ninh quốc phòng và chiếm một vị trí đặc biệt trong chiến lược phát triển của đất nước.
Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo những lĩnh vực thuộc sự quản lý của mình. Khu vực miền núi, từ đó cũng đã từng bước thay đổi, nhất là hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư đáng kể. Sản xuất một số vùng đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội đều có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước dành cho miền núi, đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực, diện mạo miền núi trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến. Cùng với những chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, các chính sách kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng đã được ban hành. Các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa thể dục thể thao,...đã tạo thành hệ thống chính sách tương đối toàn diện. Các chương trình, dự án được thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, đầu tư đúng mục đích, đối tượng, đã tạo được lòng tin và hiệu ứng tích cực của nhân dân. Kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, các ngành kinh tế địa phương như thương mại, dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng đều phát triển so với trước đây.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cơ cấu kinh tế ở các địa phương miền núi chuyển dịch còn chậm, sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, thế mạnh kinh tế rừng chưa được phát huy đúng mức. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hệ thống thương mại dịch vụ còn nhỏ lẻ; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém. Các nguồn vốn đầu tư cho các huyện miền núi chủ yếu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng chiếm tỷ lệ lớn, đầu tư cho phát triển sản xuất trong hợp phần của các chương trình chiếm tỷ lệ rất thấp,…
Để phát triển kinh tế các tỉnh miền núi bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi, trong đó chú trọng đến hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, giáo dục, y tế... các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong vùng. Qua đó, điều chỉnh, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, nhất là đầu tư phát triển sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, đất sản xuất, nhà ở...
Trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cần xem xét, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quản lý và thực hiện đúng các quy hoạch đã được duyệt. Thực hiện ngay quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng cho từng huyện, xã để nhanh chóng giao đất, giao rừng cho nhân dân phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo cho từng hộ dân đều có điều kiện sản xuất và hưởng lợi từ rừng và đất rừng.
Khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, từng thôn bản, biến các giá trị thiên nhiên, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể thành sức mạnh tổng hợp thu hút du lịch, hướng tới phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài ở các tỉnh miền núi.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông - lâm, tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhanh chóng đưa những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế của địa bàn. Xây dựng mạng lưới thú y cơ sở đủ mạnh để phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Nghiên cứu các mô hình, cách làm mới, các giải pháp sinh kế bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế miền núi.
Tăng qui mô, mở thêm ngành nghề đào tạo: với phương châm phối, kết hợp giữa các cơ sở dạy nghề trong vùng, các cơ sở dạy nghề miền xuôi để tập trung mở rộng đào tạo các nghề: mây tre đan xuất khẩu, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, lâm sinh, mộc dân dụng và mỹ nghệ, đá mỹ nghệ, dịch vụ du lịch, may dân dụng và công nghiệp; đồng thời liên kết đào tạo các nghề (cả dài hạn và ngắn hạn) phục vụ một số ngành kinh tế đang thiếu lao động kỹ thuật như: nông, lâm nghiệp, xây dựng. Cơ khí, điện, điện tử. Thiết lập mối quan hệ với các cơ sở công nghiệp và dịch vụ trong và ngoài tỉnh nhằm nắm bắt thị trường lao động phục vụ đào tạo.
Tiếp tục phân cấp theo hướng trao quyền tự chủ mạnh hơn nữa cho cấp cơ sở, phù hợp với tình hình, nhu cầu thực tế. Cấp Trung ương, tỉnh, huyện chỉ đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát. Tăng cường sự tham gia quản lý, giám sát của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội trong quá trình lập kế hoạch, triển khai thực hiện và giám sát thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc miền núi. Đi đôi với việc xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho miền núi về đào tạo, bố trí, sử dụng, thu hút cán bộ; ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các tỉnh miền núi, cần sắp xếp các chương trình mục tiêu đầu tư phát triển miền núi của Chính phủ về một đầu mối và phân cấp quản lý, tránh đầu tư dàn trải, như thế nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mới đạt hiệu quả cao, công trình khi hoàn thành đảm bảo phục vụ lâu dài cho nhân dân ở từng địa phương. Để làm được như vậy, các tỉnh cần tăng cường cán bộ về cơ sở, góp phần cải cách thủ tục hành chính, định hướng địa phương cơ sở tổ chức lại cơ cấu sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.