Đây là một hình thức kết hợp giữa cơ chế hết quyền quốc gia và cơ chế hết quyền quốc tế. Cơ chế hết quyền khu vực liên quan đến hết quyền trong phạm vi thị trường rộng hơn thị trường một quốc gia nhưng lại chỉ giới hạn ở một số quốc gia nhất định.
Do đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ không thể dựa vào quyền sở hữu trí tuệ của mình để ngăn cấm sự lưu thông của các sản phẩm trong phạm vi khu vực khi những sản phẩm này đã được đưa ra thị trường khu vực bởi chính chủ sở hữu hoặc chủ thể khác được sự đồng ý của chủ sở hữu. Tuy nhiên, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền ngăn chặn việc nhập khẩu những sản phẩm này từ ngoài vào thị trường khu vực.
Về nguyên tắc, tất cả các thỏa thuận thương mại khu vực đều có thể thừa nhận cơ chế hết quyền khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế hết quyền này mới chỉ được áp dụng cho các nước thuộc Khu vực Châu Âu và các nước Tây Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ (Francophone West Africa) kể từ khi Thỏa thuận Bangui được ký kết - đây là các nước thuộc Tổ chức SHTT Châu Phi (OAPI).