Việc quản lý các khía cạnh của định chế sở hữu trí tuệ quốc tế được thực hiện bởi một số tổ chức quốc tế và tổ chức liên chính phủ được thành lập theo các điều ước quốc tế. Các tổ chức chính về sở hữu trí tuệ ở cấp quốc tế và liên chính phủ là Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Một số khía cạnh đặc biệt của luật sở hữu trí tuệ quốc tế được giao cho một số tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm: bản quyền và văn hóa dân gian: Tổ chức Văn hóa, khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO); giống cây trồng mới: Liên minh bảo hộ giống cây trồng (UPOV); tiếp cận tài nguyên di truyền: Tổ chức Nông lương, Hội nghị các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP); công nghệ y học: Tổ chức Y tế thế giới (WHO); quyền kế cận: Liên minh Viễn thông quốc tế; chuyển giao công nghệ: Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO); chuyển giao công nghệ và ảnh hưởng của quyền sở hữu trí tuệ đối với các nước đang phát triển: Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD).
Một số tổ chức khu vực cũng thiết lập các chuẩn mực và cơ cấu về sở hữu trí tuệ. Những tổ chức này bao gồm Tổ chức Andean Pact, Liên minh châu Âu (Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan hài hòa hóa thị trường nội địa (OHIM), Hiệp hội thương mại tự do Bắc mỹ (NAFTA), MERCOSUR và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, các tổ chức sở hữu trí tuệ đặc biệt đã được thành lập với chức năng trong phạm vi khu vực. Những tổ chức này bao gồm Tổ chức Sáng chế khu vực châu Phi (ARIPO) và Cơ quan Sáng chế Á – Âu. Trong mỗi trường hợp, các tổ chức này được thành lập theo các điều ước quốc tế điều chỉnh chức năng và thẩm quyền của tổ chức này.