Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan Nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài. Nhưng nó không bao gồm các nội dung sau đây:
-
Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
-
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;
-
Tham gia tổ chức quốc tế liên chính phủ;
-
Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;
-
Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Thỏa thuận quốc tế được ký kết với các tên gọi như: Thỏa thuận, Bản ghi nhớ, Biên bản thỏa thuận, Biên bản trao đổi, Chương trình hợp tác, Kế hoạch hợp tác và các tên gọi khác.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế là:
-
Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
-
Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế;
-
Cơ quan Nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh và cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ ngoại giao thực hiện quản lý Nhà nước về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt. Trong trường hợp thỏa thuận quốc tế được ký bằng tiếng nước ngoài thì bên Việt Nam có trách nhiệm dịch thỏa thuận quốc tế đó ra tiếng Việt.