Lý thuyết cung – cầu được xây dựng trên bối cảnh giả thiết là thị trường cạnh tranh hoàn toàn.
Cạnh tranh hoàn toàn là thuật ngữ kinh tế - kỹ thuật dùng để chỉ một thị trường hội tụ đủ 4 điều kiện sau:
1. Các cá nhân tham gia thị trường dù là với tư cách người bán hay người mua đều là một bộ phận rất nhỏ bé so với toàn thể thị trường trong đó nó hoạt động để không thể chi phối đến giá cả của bất cứ thứ gì họ bán hoặc họ mua.
2. Sản phẩm “đồng nhất”, tức là một loạt sản phẩm do nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất và cung ứng cho thị trường, nhưng khi đã đưa ra thị trường thì nó hoàn toàn giống hệt nhau, người tiêu dùng không thể phân biệt được họ đang mua sản phẩm do doanh nghiệp nào sản xuất.
3. Không có sự chi phối hoặc áp đặt của bất kỳ ai: Nhà nước, các tổ chức kinh tế hay các hiệp hội,… đến các hoạt động mua, bán và giá cả của các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
4. Thị trường cạnh tranh hoàn toàn là một thị trường “trong suốt”, tức là tất cả các thành viên trong thị trong thị trường này luôn luôn tiếp nhận đầy đủ, chính xác và kịp thời tất cả các thông tin họ cần biết để ra quyết định. Vì vậy, mọi quyết định họ đưa ra trên thị trường này đều đúng.
Lý thuyết cầu – cung được nghiên cứu trong khung cảnh nêu trên nhằm mục đích giúp chúng ta nhận thức một cách rõ nét và chân thực hiệu quả cũng như hạn chế của hệ thống giá cả thị trường điều tiết hoạt động của nền kinh tế. Qua đó, chúng ta rút ra những nguyên tắc chung làm cơ sở lý luận soi rọi, đối chiếu với thị trường cạnh tranh bất hoàn toàn trong thực tế. Trên cơ sở đó, giúp chúng ta đưa ra những quyết định hợp lý để đạt được những mục tiêu đã định.