Loading...
Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam những năm đầu gia nhập WTO
03/09/2016 - 2529 lượt xem

Được hình thành từ những năm 80 của thế kỷ 20, hệ thống SHTT của Việt Nam liên tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển cả về hệ thống pháp luật, tăng trưởng số đơn đăng ký cũng như đẩy mạnh công tác thực thi. Từ chỗ, hệ thống pháp luật chỉ bao gồm các văn bản do Chính phủ ban hành, thì từ năm 1995 SHTT đã được điều chỉnh bằng văn bản luật do Quốc hội ban hành. Đặc biệt, năm 2005 Quốc hội vừa sửa đổi Bộ luật dân sự 1995 (trong đó có các quy định về SHTT), vừa ban hành Luật SHTT nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập. Sau khi Quốc hội ban hành Luật SHTT, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, nhằm sớm đưa Luật SHTT vào thực tiễn cuộc sống.

 

Tại thời điểm gia nhập WTO, hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật sau:

 

- Các văn bản luật gồm: Bộ luật dân sự 2005, Luật Tố tụng dân sự 2004, Luật SHTT 2005 (sửa đổi năm 2009), Luật hình sự 1999 (sửa đổi năm 2009), Luật chuyển giao công nghệ 2006, Luật Hải quan 2001…

- Các văn bản do Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 100/2006/NĐ-CP về quyền tác giả và quyền liên quan (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 103/2006/NĐ-CP về sở hữu công nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định 104/2006/NĐ-CP về quyền đối với giống cây trồng (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 105/2006/NĐ-CP về bảo vệ quyền SHTT và quản lý nhà nước về SHTT (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 106/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp (đã được thay thế).

 

Có thể nói, tại thời điểm gia nhập WTO và đặc biệt trong những năm đầu gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng được một hành lang pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ điều chỉnh có hiệu quả hệ thống SHTT trong môi trường cạnh tranh và hội nhập. Khi đánh giá về hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và các chuyên gia đều thống nhất cho rằng hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam đầy đủ, đồng bộ và toàn diện, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, thể hiện ở các nội dung sau đây:

 

- Về đối tượng bảo hộ. Việt Nam đã bảo hộ hầu hết các đối tượng SHTT theo quy định tối thiểu của Hiệp định TRIPS, bao gồm các đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan, các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp và quyền giống cây trồng mới.

- Về cơ chế bảo hộ. Các đối tượng SHTT đều được bảo hộ theo một cơ chế và cách thức tương đồng với thông lệ quốc tế, cụ thể là:

+ Đối với quyền tác giả được bảo hộ theo nguyên tắc “tính nguyên gốc”, tức là từ khi các đối tượng đó được tạo ra và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký và áp dụng cho tất cả các loại hình tác phẩm như viết, hội họa, điêu khắc, kiến trúc hay phần mềm máy tính…

+ Quyền liên quan được bảo hộ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh đã được mã hóa được định hình hoặc thực hiện nếu không gây phương hại đến quyền tác giả, mà không phụ thuộc vào việc đăng ký và nội dung, chất lượng hay hình thức thể hiện của các đối tượng đó.

+ Quyền sở hữu công nghiệp gồm 7 đối tượng: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh. Cách thức bảo hộ đối với từng đối tượng là không giống nhau. 5 đối tượng thực hiện bảo hộ thông qua cơ chế cấp văn bằng bảo hộ gồm: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và thiết kế bố trí mạch tích hợp; 2 đối tượng là tên thương mại, bí mật kinh doanh thực hiện bảo hộ theo cơ chế không đăng ký, tức là khi hai đối tượng này đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ thì tự động phát sinh quyền mà không cần phải đăng ký.

+ Giống cây trồng được bảo hộ thông qua đăng ký cấp văn bằng. Về thời hạn bảo hộ, nếu là giống cây thân gỗ và cây nho thì bảo hộ 25 năm, còn lại các giống cây khác bảo hộ 20 năm.

- Hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam cũng dành quyền cho bất kỳ “ai” cũng có quyền đề nghị cơ quan cấp văn bằng bảo hộ (đối với các đối tượng thực hiện cấp văn bằng bảo hộ) ra quyết định chấm dứt hoặc huỷ bỏ văn bằng bảo hộ nếu xuất hiện những tình huống được quy định về tiêu chuẩn bảo hộ hoặc tính trung thực trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Quy định tương thích với luật pháp quốc tế này, hệ thống SHTT của Việt Nam đã hạn chế khả năng cấp văn bằng sai hoặc người đăng ký có tính chất không trung thực trong quá trình thực hiện đăng ký, bảo đảm sự bình đẳng cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động SHTT không phân biệt người Việt Nam hay người nước ngoài, đồng thời cũng nhằm thực hiện cam kết quốc tế về đối xử bình đẳng giữa công dân của Việt Nam với công dân của các nước là thành viên các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

- Hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam cũng dành những nội dung cần thiết quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan thực hiện bảo vệ quyền SHTT và sự phối kết hợp hành động trong thực thi quyền SHTT giữa các cơ quan đó nhằm xử lý kịp thời, triệt để các hành vi xâm phạm quyền SHTT, đáp ứng yêu cầu về tính hiệu quả của hệ thống pháp luật về SHTT.

- Song song với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước theo hướng tương hợp với pháp luật quốc tế, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia hoặc tiếp tục tham gia các điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến SHTT. Trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, đã tham gia Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp ước Hợp tác bằng sáng chế (PCT), Thỏa ước và Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Hiệp định TRIPS/WTO,…Về quyền tác giả, đã tham gia Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép trái phép, Công ước Brussels về phân phối tín hiệu mang chương trình được truyền qua vệ tinh. Về giống cây trồng, đã tham gia Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới.

 
Your name
Your email
Friend's email
Mail Subject
Content
CÁC TIN TỨC KHÁC:
Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) và đối xử tối huệ quốc (MFN) (03/09)
Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) thuộc WTO và Trung tâm trọng tài & hòa giải thuộc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) (03/09)
Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) (03/09)
Quyền sở hữu trí tuệ trong TPP (03/09)
Sự khác nhau giữa TRIPS và các công ước về quyền sở hữu trí tuệ (03/09)
Điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ (03/09)
Những biện pháp nhằm đảm bảo thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại lãnh thổ các quốc gia thành viên của WTO (03/09)
Biện pháp dân sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (03/09)
Biện pháp hành chính và hình sự trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (03/09)
Hết quyền sở hữu trí tuệ và cơ chế hết quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPS (03/09)
Nội dung hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (03/09)
Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (03/09)
Đồng chí Bùi Văn Dũng dự Hội nghị Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2012
Đang online:
1
Tổng truy cập:
4.133.208