Quyền sở hữu trí tuệ tồn tại chủ yếu theo luật pháp quốc gia. Cái được gọi là quyền sở hữu trí tuệ toàn cầu (quốc tế) có nghĩa là một tập hợp các quyền có khả năng được thực thi theo pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, có thể nói rằng ở hầu hết các nước, quyền mang tính chất quốc gia đó không chỉ tồn tại như một hệ quả của nội luật mà còn là các nghĩa vụ quốc tế đa phương, song phương hoặc khu vực.
Ở một số hiệp hội khu vực như Liên minh châu Âu, pháp luật khu vực có thể có hiệu lực áp dụng trực tiếp tại các quốc gia hoặc có thể đặt ra các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ cho pháp luật quốc gia. Luật sở hữu quốc tế có vai trò quan trọng trong việc hài hòa các quy phạm pháp luật quốc gia về nội dung và thủ tục. Điều này là đặc biệt đúng trong trường hợp Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS) của WTO, trong đó đặt ra các tiêu chuẩ mà pháp luật quốc gia phải quy định đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như là một điều kiện để trở thành thành viên của WTO.
Vì vậy, luật quốc tế có vai trò hiến định quan trọng cả ở khía cạnh quy định các thủ tục và thể thức cho việc đàm phán về các tiêu chuẩn và chuẩn mực của quyền sở hữu trí tuệ mang tính quốc gia và việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn pháp luật quốc gia và khu vực về sở hữu trí tuệ. Việc thừa nhận và áp dụng các chuẩn mực chung về sở hữu trí tuệ sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi các nước có thể tin tưởng rằng các nước đối tác cũng có các chuẩn mực pháp lý tương tự.